Cảnh báo không kích ban bố tại 10 khu vực ở Ukraine
Cảnh báo không kích khắp Ukraine
Các khu vực Dnipropetrovsk, Kharkov và Poltava, vốn đã ban bố cảnh báo trước đó, hiện vẫn duy trì tình trạng báo động. Lệnh báo động cũng được ban hành tại các khu vực Odessa, Nikolaev, Kirovograd, Cherkasy, Kiev, Chernihiv và Sumy. Lực lượng vũ trang Nga bắt đầu tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine vào ngày 10/10/2022, chỉ hai ngày sau vụ tấn công khủng bố vào cầu Crimea, mà Nga cáo buộc các cơ quan đặc nhiệm của Ukraine thực hiện. Những cuộc tấn công này nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng, các cơ sở chỉ huy quân sự và hệ thống thông tin liên lạc trên toàn Ukraine.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cũng tuyên bố rằng quân đội Nga không nhắm vào các tòa nhà dân cư hay cơ sở hạ tầng xã hội trong các trận giao tranh với lực lượng vũ trang Ukraine.
Về phía Ukraine, trong 24 giờ qua, quân đội Ukraine đã thực hiện 63 cuộc pháo kích vào lãnh thổ Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR), bắn tổng cộng 93 quả đạn. Các vụ tấn công chủ yếu nhắm vào các khu vực Horlivka (33 vụ), Yasinovataya (1 vụ) và Donetsk (29 vụ).
Nga chuẩn bị phóng hàng trăm tên lửa vào Ukraine
Tờ Avia.pro của Nga hôm 6/4 đưa tin, lực lượng vũ trang Nga đã tăng cường các cuộc tấn công tên lửa chiến lược vào các trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng vũ trang Ukraine, sử dụng tên lửa hành trình Kh-101 và 3M14T/K Kalibr-NK/PL.
Các tên lửa Kalibr được phóng từ tàu ngầm Dự án 636.3 và tàu mặt nước thuộc Hạm đội Biển Đen ở Biển Đen. Đồng thời, các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã được phát hiện đang di chuyển trên đường bay để phóng tên lửa Kh-101. Mặc dù các mục tiêu cụ thể chưa được xác nhận, chuyên gia dự đoán các kho đạn dược và trung tâm vận tải, bao gồm cả ở miền Tây Ukraine, có thể là mục tiêu.

Hiện tại, có 9 máy bay Tu-95MS hoạt động trên không, cho thấy khả năng sử dụng kho tên lửa quy mô lớn. Đến nay, 6 tên lửa Kalibr đã được phóng từ một khinh hạm của Hạm đội Biển Đen và sẽ đến mục tiêu trong vòng nửa giờ. Đợt phóng Kalibr-NK/PL thứ hai cũng đã được ghi nhận, làm tăng quy mô cuộc tấn công.
Với số lượng máy bay ném bom trên không hiện đã lên tới 9 chiếc, các nhà phân tích dự đoán Nga có thể sử dụng từ 80 đến 110 tên lửa Kh-101 trong những giờ tới. Những tên lửa này, có tầm bắn lên đến 5.500 km và được phóng từ độ cao trên 10 km, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các cơ sở hậu cần của Ukraine.
Trước tình hình này, các nguồn tin quân sự Ukraine cho biết Ukraine đã tăng cường năng lực phòng không, triển khai các hệ thống phương Tây như Patriot và NASAMS để đánh chặn cả tên lửa và máy bay không người lái.
Tổng thống Ukraine Zelensky truy tìm người làm rò rỉ thỏa thuận khoáng sản với Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu các bộ trưởng và quan chức Chính phủ thực hiện kiểm tra phát hiện nói dối nhằm truy tìm người đứng sau vụ rò rỉ bản dự thảo thỏa thuận khoáng sản với Mỹ. Thông tin được tờ Financial Times (FT) đăng tải hôm 5/4, dẫn lời các quan chức chính phủ Ukraine.
Theo Financial Times, sau khi sự việc xảy ra, Tổng thống Zelensky đã chỉ thị Cơ quan An ninh Ukraine mở cuộc điều tra toàn diện. Các cuộc kiểm tra nói dối đã được tiến hành tại nhiều bộ ngành liên quan.

Bản dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ — lần đầu tiên được công bố bởi nghị sĩ đối lập Jaroslav Zheleznyak — đề xuất một cơ chế cho phép Mỹ quản lý doanh thu từ các dự án dầu khí và khoáng sản tại Ukraine. Một số quan chức nói với Financial Times rằng họ “bất ngờ” trước quy mô và mức độ kiểm soát mà phía Mỹ yêu cầu trong văn bản dự thảo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã thúc đẩy mạnh mẽ thỏa thuận này từ tháng 2, nhưng lại từ chối cung cấp bất kỳ cam kết an ninh rõ ràng nào cho Ukraine. Ông Trump cho rằng các liên doanh kinh tế giữa hai nước là đủ để ngăn chặn Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Trump cáo buộc Tổng thống Zelensky đang “cố gắng rút lui” khỏi thỏa thuận và cảnh báo Ukraine sẽ phải đối mặt với “những vấn đề lớn” nếu không ký kết. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Ukraine “sẽ không bao giờ trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Ukraine trước nguy cơ mất quyền kiểm soát khoáng sản quý hiếm
Tờ Politico ngày 6/4 trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các đồng minh của Ukraine đều bày tỏ lo ngại rằng Kiev có thể mất quyền kiểm soát những khoáng sản quý giá như titan và uranium.
“Ukraine sở hữu nhiều khoáng sản quan trọng như titan, uranium và nhiều tài nguyên khác. Nếu Nga chiếm được những nguồn tài nguyên này, đó sẽ là một thảm họa đối với các đồng minh của Kiev”, quan chức này cho biết. Nguồn tin cũng cho rằng thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine có thể là "khoảnh khắc" then chốt để đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Tuần trước, nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zheleznyak cho biết dự thảo thỏa thuận mới về tài nguyên khoáng sản của Ukraine không có lợi cho Kiev. Ông cho rằng thỏa thuận này cho phép Mỹ quản lý tất cả các tài nguyên khoáng sản của Ukraine, bao gồm dầu mỏ và khí đốt, mà không có bất kỳ cam kết nào về an ninh cho Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cáo buộc Mỹ đã thay đổi các điều khoản của thỏa thuận và từ chối công nhận khoản viện trợ trước đó từ Washington là một khoản nợ.
Anh – Pháp bàn khả năng triển khai lực lượng hỗ trợ an ninh tới Ukraine
Bộ Quốc phòng Anh hôm 6/4 cho biết, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang nước này - Đô đốc Tony Radakin, đã có cuộc gặp với các đối tác Ukraine và Pháp tại Kiev, để thảo luận về khả năng triển khai một lực lượng quốc tế hỗ trợ an ninh cho Ukraine.
Theo thông cáo được đăng trên trang web chính phủ Anh, chuyến thăm là một phần trong nỗ lực của Vương quốc Anh nhằm xây dựng “liên minh tự nguyện”. Trong cuộc họp, ông Radakin đã cùng các đồng cấp xem xét cơ cấu, quy mô và thành phần của lực lượng có thể được triển khai trong tương lai. Tuy nhiên, danh tính các đại diện phía Pháp và Ukraine không được nêu cụ thể.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh của "liên minh tự nguyện" diễn ra ở Paris ngày 27/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố một số nước đang cân nhắc việc gửi “lực lượng răn đe” tới Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng đây không phải là lực lượng gìn giữ hòa bình và cũng không nhằm thay thế quân đội Ukraine. Thay vào đó, mục tiêu của lực lượng này là nhằm kiềm chế Nga, với kế hoạch triển khai tại những vị trí chiến lược được thống nhất với Kiev. Ông Macron thừa nhận, không phải tất cả các quốc gia đều ủng hộ sáng kiến này, nhưng khẳng định điều đó không phải là trở ngại để hành động.
Phản ứng trước kế hoạch trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 6/3 khẳng định Moscow không thấy bất kỳ khả năng thỏa hiệp nào nếu phương Tây đưa lực lượng nước ngoài tới Ukraine. Ông cho rằng việc triển khai như vậy sẽ tạo ra một "sự thật mới trên thực địa", từ đó làm suy yếu nỗ lực đàm phán cho một giải pháp hòa bình. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga lên án đề xuất này là một hành động “khiêu khích”, đồng thời cáo buộc phương Tây đang cố tình gieo rắc “ảo tưởng nguy hiểm” trong hàng ngũ lãnh đạo Kiev. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng, bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào cũng chỉ có thể được triển khai khi có sự đồng thuận từ tất cả các bên liên quan trong xung đột. Theo ông, còn quá sớm để nói đến khả năng này tại Ukraine.
Chuyên gia quân sự hé lộ vị trí và đặc điểm hầm trú ẩn của Tổng thống Zelensky
Trong cuộc phỏng vấn với NEWS.ru, chuyên gia quân sự Vasily Dandykin đã chia sẻ những đánh giá về một trong những hầm trú ẩn dưới lòng đất được cho là nơi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể đang sử dụng. Theo ông, hầm trú ẩn này có thể nằm sâu khoảng 40 mét dưới lòng đất và nhiều khả năng là di sản còn lại từ thời Liên Xô, được xây dựng để phòng ngừa một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Chuyên gia quân sự Dandykin cho biết, các công trình kiểu này thường được thi công bằng bê tông cường độ cao, trang bị hệ thống hỗ trợ sự sống tự động như thông gió, dự trữ lương thực, nước sạch và các trung tâm chỉ huy dự phòng. Chúng có khả năng chịu đựng phần lớn các loại vũ khí hiện đại, ngoại trừ một số hệ thống tên lửa có độ chính xác và sức xuyên phá cao như Kinzhal hay tổ hợp Oreshnik mới nhất.
Ông cũng không loại trừ khả năng boongke này được đặt ở khu vực đồi núi, ví dụ như vùng Carpathian. Theo Dandykin, mức độ bảo vệ an toàn cho Tổng thống Zelensky hiện nay là rất cao, với sự tham gia của các chuyên gia an ninh đến từ Anh – điều mà ông cho là thể hiện sự lo ngại ngày càng tăng của nhà lãnh đạo Ukraine. Mức độ cảnh giác này đặc biệt gia tăng sau cuộc gặp căng thẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth không đến căn cứ Rammstein – điều mà Kiev có thể coi là tín hiệu đáng lo.


Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, các biện pháp thuế quan mới dự kiến sẽ tạo ra doanh thu hơn 6.000 tỷ USD cho nước Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2035.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khánh thành Cầu New Pamban, cây cầu đường sắt biển có thang nâng thẳng đứng đầu tiên của nước này tại bang Tamil Nadu, đánh dấu một bước tiến mới trong hạ tầng giao thông hiện đại của quốc gia Nam Á này.
Thị trường chứng khoán thế giới ngày 7/4 chao đảo, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả các khoản thuế nhằm vào các đối tác thương mại của Mỹ là "thuốc" đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Hàn Quốc ấn định tổ chức bầu cử Tổng thống vào ngày 3/6/2025, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị phế truất vì bê bối ban bố thiết quân luật.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ tiếp tục áp thuế quan toàn diện đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia, trừ khi các quốc gia này điều chỉnh thặng dư thương mại với Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Mỹ về một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện, tuy nhiên Nga đã từ chối và Ukraine hiện đang chờ đợi phản hồi từ phía Mỹ.
0