Cảm xúc tháng 10
Tháng 10, phố Hà Nội có những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng trong sắc màu huyền hoặc của mùa thu. Đôi khi, đi trên phố, tôi chợt ngân nga nho nhỏ câu hát: "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng/Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau/Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu"... Mùa này những sắc màu của lá rực rỡ đan xen nhau trên vòm cây mái phố. Lá chen lá phủ rợp trên kiến trúc cổ kính của mảnh đất kinh kỳ. Tất cả tạo nên bức tranh thật đặc biệt trong lòng những người yêu Hà Nội.
Ngắm lá thu xao xác trong gió, tôi chợt nhớ về ngày tháng thanh xuân xưa cũ. Tuổi học trò với vài vần thơ lãng mạn trong trẻo chép nắn nót trong cuốn sổ tay nho nhỏ. Tuổi ô mai có khá nhiều niềm vui, nỗi buồn, giận dỗi thật ẩm ương. Sau này, bạn bè gặp lại luôn bật cười khi nhắc về những câu chuyện đó.
Nhớ một vài dịp được nghỉ học, cả nhóm bạn đạp xe lang thang ra ngoại thành Hà Nội. Chúng tôi mải mê ngắm những bông lúa dập dờn như sóng lượn xa tít tầm mắt. Làn hương lúa mới ngòn ngọt lan trong gió.
Cũng có những buổi chiều đạp xe qua cầu Long Biên, chúng tôi sà xuống bãi sông Hồng rủ nhau mua ngô luộc, ngô nướng của người dân nơi đây. Những bắp ngô nếp mới hái dưới bãi căng mọng sữa sao mà ngon đến thế. Chúng tôi bỏ dép, đi chân trần trên lớp đất phù sa đẫm nước và cảm nhận sự giao hòa của thiên nhiên. Sau này, thời gian trôi, nhưng tôi mãi nhớ về những ánh mắt, nụ cười trong trẻo tuổi học trò. Nhớ tiếng đùa vui khi trốn tìm trong hàng hoa lau phơ phất nơi cánh bãi sông Hồng năm nào.
Nắng và gió tháng 10 thật đặc biệt. Không ửng nhẹ như nắng xuân, không gắt gỏng như nắng hạ, không hanh hao như nắng đông, nắng tháng 10 trải màu vàng óng ả lên vạn vật. Nắng chỉ đủ để ta cảm nhận hơi ấm, đủ để làm héo sợi rơm nếp đến độ mềm dai để buộc ngoài gói cốm thanh tao.
Nắng ươm vàng trên những gánh hồng đỏ căng mọng, hồng ngâm giòn ngọt, cốm xanh như ngọc... Gió tháng 10 mang theo hương của mùa thu. Gió hanh hanh chứ không mang theo hơi ẩm của mưa. Gió dạo bước trên những hàng cây, tạo ra những cơn mưa lá trên đường.
Tháng 10, khi sen trên đầm đã cạn, ấy là khi mùa cúc đã về. Những bông cúc đại đóa vàng tươi với những cánh hoa cong cong yểu điệu úp vào nhau thật tinh tế. Nắng và gió mùa thu như sánh quyện cùng vẻ đẹp của những bông cúc đại đóa tạo ra sắc vàng làm xốn xang lòng người. Bình hoa cúc đại đóa như mang cả mùa thu vào phòng với màu vàng rạng ngời của hoa được nâng lên bởi màu men gốm mộc.
Tháng 10 đến khiến bao rưng rưng nhớ thương bỗng trở về. Nhớ từng ánh mắt, nụ cười, giọng nói của người thương. Tháng 10 nồng nàn, tha thiết trong từng ánh mắt sóng sánh tình cảm dành cho nhau.
Thật hạnh phúc cho những ai sinh vào tháng 10. Những ngày không nhiều nắng như tháng 6, tháng 7, cũng không nhiều gió hay những cơn gió lạnh tê tái như tháng 11, 12. Tháng 10 dịu dàng, hiền hòa với một chút se se lạnh khiến cho con người ta dường như xích lại gần nhau hơn, yêu thương và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Và cảm xúc về tháng 10 trong tôi cũng nhẹ nhàng và ấm áp như thế.
Tháng 10 tới, nắng gió mùa thu nhuộm vàng từng con đường góc phố thân quen. Đôi khi tôi thầm hỏi, trong dòng đời hối hả ngược xuôi có bao người chợt nhớ về những mùa thu cũ? Có bao người chững lại, lắng lòng khi tháng 10 tới với những ký ức sâu lắng, ngọt ngào yêu thương?
Chào tháng 10 - tháng của mùa thu vàng óng ánh, tháng của những lời hẹn ước thành đôi, tháng mà những con phố Hà Nội trở nên tình tứ… những cơn gió thoảng se se mùi hoa sữa. Mùa thu là thời gian con người ta sống chậm, cùng nhìn lại những khoảnh khắc một chặng đường dài đã đi qua để nhớ, để thương và cũng để bước tiếp.
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.
0