Cà phê Giảng – mùi nhớ, vị thương

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Nhắc đến cà phê trứng ta nghĩ ngay đến Giảng, đến thủ đô yên bình. Và khi đặt chân đến Hà thành dạo quanh phố cổ trầm mặc, ta chẳng thể bỏ qua thức uống hữu xạ tự nhiên hương này.

Ly cà phê trứng nóng làm nao lòng lữ khách ngay điểm chạm mơn man đầu lưỡi khiến trái tim vấn vương, thổn thức. Nhấp mùi béo ngầy ngậy của lớp sữa kem trứng vàng mịn hòa quyện trong mùi thơm khen khét của cà phê rang mà không quá đắng. Khẽ lê đầu lưỡi đẩy hương nồng, vị ngậy lên khoang miệng mà nhẩn nha trong không gian phảng phất vạt nắng hao gầy chiếu qua tán cây cổ thụ đang cố gắng xua tan chút nồm ẩm còn sót lại của dư vị mùa xuân trên phố Nguyễn Hữu Huân. Du dương trong bản tình ca Phú Quang thì tất thảy Hà Nội tan chảy cùng ly cà phê...

Ly cà phê được đặt trong một bát nước nóng giữ nhiệt để khách hàng từ từ thưởng thức. Ảnh: Hanoimoi

Thức quà mỹ vị tưởng chừng đơn sơ mà kỳ công quá đỗi được thưởng thức trong tiết trời Hà Nội nắng hạ chưa tới mà gió xuân còn vương vít, hẳn sẽ khiến những vị khách thêm bền lòng tri âm, tri kỷ.

Tôi đã từng thử cà phê trứng ở nhiều nơi, nhưng không đâu cho tôi cảm giác xao xuyến, tròn vị như khi đến với cà phê Giảng. Nếu như Cappuccino là niềm tự hào của người dân nước Ý thì cà phê trứng Giảng là hương vị hoàn hảo chinh phục vị giác du khách phương xa, là tinh hoa văn hóa rất Hà Nội, đượm nồng Việt Nam.

Hà Nội đâu chỉ có 36 phố phường. Đôi khi ta thương nhớ hương vị Hà thành chính từ ly cà phê Giảng trong con ngõ nhỏ. Hà Nội có những kỷ niệm không phai làm trái tim ta trở nên non trẻ thổn thức như lúc ban đầu. Hà Nội thương một đời đâu phải tạm thương như lời thơ mà Chế Lan Viên đã từng chắp bút khi lạc bước vào ngõ nhỏ Hà Nội:

"Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương.
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm.
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm.
Thương một đời đâu phải Tạm thương…"

Vừa rồi là những dòng cảm xúc của Tặng Vũ gửi về cho chương trình. Đó cũng là cảm xúc của Hường trong chiều nay gửi tới bạn./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?

Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.

"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.

Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.

Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.