Bún vịt dầm, thấm đầm tình ngoại

Dọc bờ sông Lũy hiền hoà có ngôi làng nhỏ ẩn mình giữa những luống thanh long thắm đỏ. Nơi đó có nếp nhà của ngoại. Gian nhà nhỏ đầy ắp tình thương, luôn có món ngon ngoại dành phần cho con, cho cháu.

Không phải tôi nịnh ngoại, mà tôi cảm thấy ngon thật. Vịt dầm là món đặc sản của xứ Bắc Bình. Cái vị chua chua, cay cay, beo béo đặc trưng không giống bất cứ món vịt nào. Nguyên liệu chính thì giống nhau, nhưng cách chế biến mỗi nhà mỗi kiểu. Tôi vẫn thích công thức nấu của nhà mình, đơn giản mà thơm ngon. Phải chăng nó được nêm nếm bằng tình thương bao la của ngoại.

Ngoại dạy, muốn nấu ngon, đầu tiên phải chọn vịt ngon. Chọn đúng vịt cỏ, loại vịt thả đồng chỉ ăn thóc lúa, côn trùng. Vịt cỏ da mỏng, ít mỡ, thịt ngọt dai, nấu lên thơm lừng. Công đoạn làm sạch vịt góp phần không nhỏ tạo nên hương vị của món vịt dầm. Vịt đem về làm sạch lông, trộn hỗn hợp gồm muối hột, gừng tươi, rượu trắng thoa đều lên con vịt từ trong ra ngoài, từ đầu tới chân, để khoảng hai mươi phút cho thấm, đem rửa sạch. Khi nấu lên sẽ loại bỏ được mùi hôi, chỉ còn hương vịt ngạt ngào. Vịt để nguyên con cho vào nồi nước luộc. Nước ngập con vịt, thêm vài lát gừng tươi cho thơm.

Ảnh minh hoạ: Dân Việt.

Trong lúc luộc vịt, ngoại chuẩn bị gia vị. Nào là tỏi, gừng, ớt, me, đậu phộng, nước mắm, đường, mỗi thứ một chút. Ngoại dùng loại tỏi tím tép nhỏ vừa cay vừa thơm. Củ gừng già căng vỏ. Ớt chín cây đỏ lựng đem giã nhuyễn. Vị chua của nước dùng từ me ủ muối, thanh dịu. Me chọn những trái chín cây, tách hột, ướp chút muối để trong hũ, để càng lâu me càng ngon. Bên hè có cây me rợp bóng, ngoại chắt chiu nhặt từng trái rụng, để dành nấu. Me pha với nước nóng, lược bỏ xác. Đậu phộng rang muối cho vàng, bóc vỏ, giã nhuyễn.

Xong từng ấy gia vị cũng là lúc vịt vừa chín tới. Ngoại vớt ra để ráo, chặt thành miếng nhỏ vừa ăn. Thịt vịt thơm lừng, da bóng loáng hấp dẫn. Ngoại biết ý để phần cho tôi cái đầu, bộ đồ lòng, món tôi thích.

Ngoại cho hỗn hợp tỏi gừng ớt, nước me, đậu phộng vào nước luộc vịt. Nêm đường, nước mắm cho vừa ăn. Ngoại rất kén nước mắm, không bao giờ dùng nước mắm công nghiệp mà là nước mắm cá cơm tự ủ. Mở nắp chai, hương vị cá vòng vèo từ chái bếp ra tới bậc cửa.

Ngoại pha chén nước mắm gừng, vừa để chấm vịt vừa để gia giảm mặn ngọt lúc ăn. Gừng, tỏi, ớt băm nhuyễn, sóng sánh trong chén nước chấm đậm đà, dậy mùi hấp dẫn.

Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ.

Rau ăn kèm chỉ dùng rau răm và húng lủi. Ngoại dặn rau cắt nhỏ để lên mặt chứ không cho vào nước dùng, dễ bị đắng.

Khác với những món khác ăn nóng hổi, vịt dầm ăn âm ấm mới ngon. Cho ít bún lá vào tô, chan nước dùng vừa nêm nếm xong, rắc thêm ít rau, vài hạt đậu phộng rang lên. Vậy là món vịt dầm đã sẵn sàng lấp đầy bụng.

Nhìn tô bún mà bụng tôi cứ sục sôi thúc giục. Mùi vịt quyện với mùi rau, mùi hỗn hợp gia vị, thơm nức mũi. Vị béo ngọt của nước vịt quyện cùng vị béo thơm đậu phộng tạo nên một hương vị rất riêng. Thêm chút chua thanh của me muối, chút cay ấm của gừng, ớt. Cắn miếng vịt, mềm, dai, béo, ngọt. Ăn một miếng lại muốn miếng thứ hai. Loáng cái, tô bún chỉ còn trơ đáy. Bụng đã căng tròn mà miệng còn thòm thèm. Ngoại nhìn tôi xì xụp ăn, tay liên tục gắp cho tôi những miếng ngon, trìu mến: "Vài bữa vào trong đó, ngoại làm cho một con để dành ăn". Tôi vui sướng cười tít mắt.

Giờ ngoại đã về với cõi hư không. Công thức nấu món vịt dầm được ngoại truyền lại nguyên vẹn cho các dì. Cũng trong gian bếp ấy, nhìn bóng dì tất bật chuẩn bị món vịt dầm, tôi lại chênh chao nhớ dáng hình của ngoại. Nhớ nụ cười yêu thương trên gương mặt nhăn nheo, nhớ cách ngoại chăm chút cho lũ cháu lớn đầu vẫn bé nhỏ trong vòng tay yêu thương của ngoại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có người lập nghiệp xa quê cả nghìn cây số. Những khi nhớ mẹ, có muốn về thăm cũng không thể dễ dàng chạy ù về ngay được. Chỉ dịp nghỉ hè hay lễ Tết, đôi khi là trong một chuyến công tác, người con ấy mới có thể tranh thủ về với mẹ. Những ngày hiếm hoi đó, đêm đến, chỉ cần được nằm bên mẹ thôi, lòng con đã dạt dào niềm hạnh phúc!

Với mỗi dự định, mỗi mục tiêu đặt ra, có người gặp trở ngại thì sẽ bị lung lay, chùn bước; có người vẫn kiên trì đi tiếp, từng chút một. Cứ làm từ từ, rồi cũng xong.

Có một câu nói cũ, chắc nhiều người từng nghe qua: "May mắn là khi cơ hội gặp gỡ sự chuẩn bị". Nhưng có lẽ, may mắn không chỉ đơn giản là cuộc hẹn tình cờ giữa cơ hội và sự chuẩn bị, mà còn là kết tinh của niềm tin và nỗ lực. Một người may mắn không phải là người chỉ ngồi yên chờ đợi vận may gõ cửa, mà là người dám tin vào những điều tốt đẹp và nỗ lực không ngừng để khiến điều đó xảy ra.

Có người kể với tôi, ngoại của cô là một người rất hiền, lành và thương người. Tình thương ấy không chỉ dành cho con cháu trong nhà mà ngoại còn ân cần thương cả những người xa lạ nữa. Ngoại thường bảo: Chẳng ai thiếu ai mà không sống được cả. Chỉ là mình thương người ta nhiều một chút thì thêm một lý do để sống thôi.

Nhắc tới sa mạc, có lẽ ai cũng hình dung ra một vùng đất đầy khắc nghiệt, trơ trọi với những cơn bão cát, cái nắng bỏng rát và chẳng còn gì khác. Nhưng không, cuộc sống trên sa mạc phong phú hơn nhiều. Có người kể với tôi rằng, sa mạc rồi cũng nở hoa.

Bạn biết không, có lúc mỏi mệt, bất chợt, tôi lại nhớ tới câu nói mà một người đã từng nói với tôi rằng: Khi đời người là một cuộc thi marathon, hãy kiên trì đến phút cuối cùng của đường đua.