BRICS tăng cường cải cách táo bạo quản trị toàn cầu
Tái thiết trật tự quốc tế
Các nước BRICS đã tập trung vào các chủ đề nóng, nỗ lực thúc đẩy hợp tác "BRICS mở rộng" và đã đạt được kết quả thiết thực, bao gồm xây dựng quan hệ đối tác năng lượng, xây dựng khuôn khổ quản trị trí tuệ nhân tạo, tăng cường hợp tác an ninh và giao lưu nhân dân. Trong tương lai, sự hợp tác "BRICS mở rộng" sẽ đẩy nhanh quá trình cải cách hệ thống quốc tế và tái thiết trật tự quốc tế, đồng thời thúc đẩy tái cơ cấu quản trị toàn cầu một cách nhanh chóng.
Tuyên bố Kazan dài 43 trang, có tựa đề "Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng", bao gồm 134 điểm nhằm mục đích tạo ra "một trật tự thế giới công bằng và dân chủ hơn", "tăng cường hợp tác vì sự ổn định và an ninh toàn cầu và khu vực", "thúc đẩy hợp tác kinh tế và tài chính" và "tăng cường giao lưu nhân dân vì sự phát triển kinh tế và xã hội".
Nhìn lại lịch sử 18 năm phát triển, BRICS thường chỉ được nhắc đến trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, nhưng năm nay lại khác. Kể từ khi Nga đảm nhận chức Chủ tịch BRICS, báo chí khắp thế giới liên tục viết bài về nhóm này. Có hai lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, Hội nghị thượng đỉnh Kazan là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm đầu tiên hợp tác "BRICS mở rộng". Thứ hai, đây là hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên do Nga tổ chức kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ.
Đầu tiên, việc thực hiện khái niệm "BRICS cộng" sẽ tạo ra nhóm "các quốc gia đối tác BRICS" và mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng của BRICS. Theo tuyên bố của các quan chức cấp cao Nga, BRICS sẽ tạm dừng việc kết nạp thành viên. Một trong những nhiệm vụ chính của “Năm BRICS Nga” là hội nhập các thành viên mới vào cơ chế BRICS. Tuy nhiên, trước sự nhiệt tình của hơn 30 quốc gia từ Nam bán cầu muốn gia nhập “gia đình BRICS”, Nga tuyên bố sẽ mở rộng BRICS dưới hình thức “các nước đối tác BRICS” để chung tay cùng Nam bán cầu định hình lại trật tự quốc tế theo hướng công bằng, bình đẳng và hợp lý hơn. Trong trật tự quốc tế tương lai, các quốc gia thuộc Nam bán cầu sẽ là những người thảo luận và ra quyết định bình đẳng trong các vấn đề quốc tế, thúc đẩy quá trình “tái cân bằng” quản trị toàn cầu và tạo ra một hệ thống “cùng thảo luận, cùng xây dựng và chia sẻ". Một mô hình mới về quản trị toàn cầu.
Những dự án khả thi
Không thể phủ nhận rằng các quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau về cách thức xây dựng BRICS lớn hơn và mạnh hơn. Tuy nhiên, các nước thành viên đồng thuận về việc làm sâu sắc hơn hợp tác tài chính BRICS. Ví dụ, hầu hết các chính trị gia và học giả ở các quốc gia thành viên tin rằng việc thiết lập một "đồng tiền chung của BRICS" và "phi đô la hóa" không thể thực hiện trong ngắn hạn, nhưng việc tăng cường thanh toán bằng đồng nội tệ trong kinh tế và thương mại giữa các quốc gia thành viên có thể làm giảm sự phụ thuộc vào Đô la Mỹ là việc làm thực tế và khả thi.
Đề xuất thành lập hệ thống thanh toán BRICS nhằm thúc đẩy đa dạng hóa hệ thống thanh toán quốc tế cũng được giới chính trị và học thuật của các nước thành viên ủng hộ.
Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực tăng cường hội nhập tài chính giữa các nước BRICS. Năm nay, các thỏa thuận về cải cách WTO, tạo thuận lợi thương mại trong nông nghiệp, chuỗi cung ứng bền vững, thương mại điện tử và các khu kinh tế đặc biệt giữa các nước BRICS sẽ củng cố hợp tác kinh tế của chúng ta. Biến đổi khí hậu là chủ đề ưu tiên chung của chúng ta. BRICS hoan nghênh thỏa thuận về quan hệ đối tác thị trường carbon mở, dưới sự lãnh đạo của Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tuyên bố chung của hội nghị kêu gọi cải cách hệ thống Bretton Woods – hệ thống tài chính quốc tế được thành lập vào cuối Thế chiến thứ hai. Mục đích của cuộc cải cách là làm cho các thể chế của hệ thống này đại diện nhiều hơn cho lợi ích của các nước đang phát triển, bác bỏ các biện pháp bảo hộ đơn phương, mang tính trừng phạt và phân biệt đối xử, và bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc cải tổ toàn diện của Liên hợp quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an.
Chúng tôi cho rằng điều quan trọng để Liên hợp quốc hoạt động hiệu quả hơn nữa là điều chỉnh cơ cấu của mình cho phù hợp với thực tế của thế kỷ XXI, mở rộng đại diện của các quốc gia châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh tại Hội đồng Bảo an và các cơ quan chủ chốt khác (của Liên hợp quốc), bao gồm cả những quốc gia có lãnh đạo tại hội trường này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mặc dù những đề xuất như vậy đã được tranh luận từ những năm 1970, nhưng chỉ đến bây giờ, khi các quốc gia BRICS tập hợp lại, thì điều đó mới thực sự trở nên khả thi.
Cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh ở Kazan đề cập đến những thay đổi lớn đối với cán cân quyền lực toàn cầu. Sự trỗi dậy và chương trình nghị sự chung của BRICS cho thấy sự phân phối lại quyền lực trên thế giới. Hiện nay, sức mạnh kinh tế kết hợp của BRICS về mặt PPP ngang bằng nếu không muốn nói là vượt qua G7. Điều này mang đến cho các quốc gia nhỏ hơn cơ hội để củng cố quyền tự chủ chiến lược của họ và tìm kiếm các lựa chọn khác và tiếp cận một thị trường đa dạng cho sản phẩm và sản xuất của họ.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo khối BRICS diễn ra tại Kazan (Nga) hôm 23/10, Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS. Nga chiếm khoảng 25% lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới, Brazil chiếm khoảng 60% lượng xuất khẩu đậu tương và Ấn Độ đóng góp khoảng 40% lượng xuất khẩu gạo của thế giới.
Thứ ba là thúc đẩy việc xây dựng khuôn khổ BRICS cho quản trị trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo đã thay đổi toàn diện các mô hình quản trị an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện có và đang ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển của xã hội loài người. Để hợp tác "BRICS mở rộng" ổn định và lâu dài, trí tuệ nhân tạo phải đi đầu trong các lĩnh vực then chốt và tiên phong của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới.
Hợp tác "BRICS mở rộng" là hợp tác toàn diện, đa lĩnh vực, có hệ thống. Ba hạng mục trên chỉ là một phần trong vô số hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và tài chính. Giao lưu, hợp tác nhân dân và hợp tác thanh niên cũng là những nội dung quan trọng của hợp tác “BRICS mở rộng” năm nay. Thanh niên là lực lượng mới và là niềm hy vọng để BRICS đạt được sự phát triển bền vững. Trong tương lai, Liên minh Đại học BRICS, chính sách miễn thị thực lẫn nhau BRICS có thể được đưa ra sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa và thanh niên.
Các cuộc gặp song phương nhiều ý nghĩa
Ngoài các cuộc họp toàn thể, Tổng thống Putin liên tiếp có các cuộc gặp song phương. Chính những nhà lãnh đạo mà ông tiếp đón và các cuộc hội đàm song phương trong ba ngày diễn ra hội nghị cho thấy phần nào những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại thành phố Kazan, ngày 22/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng cường quan hệ giữa Nga với Trung Quốc để thúc đẩy sự ổn định toàn cầu. Ông Putin nhấn mạnh: “Sự hợp tác Nga - Trung trong các vấn đề thế giới đóng vai trò là một trong những yếu tố ổn định trên trường quốc tế”.
Chú trọng Trung Đông
Cuộc hội đàm của Tổng thống Putin với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho thấy sự chú trọng của Nga vào Trung Đông. Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sự ủng hộ đối với giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột và thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền cùng tồn tại với Israel trong hòa bình và an ninh. Chủ đề này đã được nêu bật trong tuyên bố cuối cùng được thông qua vào thứ Tư. Các nhà lãnh đạo lên án các cuộc tấn công của Israel vào các trung tâm nhân đạo và cơ sở hạ tầng, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và thả tất cả các con tin mà không cần điều kiện tiên quyết, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.
Cuộc chiến bắt đầu cách đây một năm ở Gaza đã lan sang cả Liban. Các quốc gia khác trong khu vực cũng bị ảnh hưởng. Mức độ đối đầu giữa Israel và Iran đã tăng mạnh. Tất cả những điều này thể hiện một phản ứng dây chuyền và đẩy toàn bộ Trung Đông đến bờ vực chiến tranh toàn diện. Tình hình nhân đạo cũng đang xấu đi. Số lượng người tị nạn và người di dời hiện đã vượt quá 1,5 triệu người”. Giải pháp nên dựa trên các quy tắc quốc tế được công nhận. Và điều này đòi hỏi phải thành lập một nhà nước Palestine độc lập, cùng tồn tại hòa bình với Israel.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong một diễn biến làm nổi bật vai trò ngày càng tăng của BRICS như một tác nhân địa chính trị độc lập, tuyên bố chung đã đưa ra quan điểm của khối này đối với các vấn đề an ninh quốc tế hiện nay, từ việc sử dụng lệnh trừng phạt bất hợp pháp và đưa vũ khí vào không gian vũ trụ, đến cuộc khủng hoảng Ukraine, nỗ lực của Palestine nhằm trở thành thành viên chính thức tại Liên hợp quốc, "cuộc tấn công khủng bố có chủ đích" của Israel nhằm vào các thiết bị liên lạc ở Liban, các cuộc tấn công ở Gaza, Syria và Iran, cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ, tình hình ở Nam Sudan, Haiti, Afghanistan.
Ưu tiên Đông Nam Á
Sau các cuộc hội đàm với Tổng thống Palestine Abbas, ông Putin gặp Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Cuộc gặp gần đây nhất diễn ra tại Moscow vào tháng 5. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về sự phát triển của quan hệ song phương, cũng như quan hệ đối tác Nga - ASEAN. Ông Putin trước đó đã lưu ý rằng hợp tác với ASEAN là một trong những ưu tiên của "chính sách đối ngoại của Nga tại châu Á".
Đối thoại Nga - châu Phi
Sau đó trong ngày, Tổng thống Nga gặp Tổng thống Mauritania và là Chủ tịch Liên minh châu Phi Mohamed Ahmed Ould Ghazouani. Nga duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Liên minh châu Phi. Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đã được tổ chức hai lần, vào năm 2019 tại Sochi và năm 2023 tại St. Petersburg. Thương mại của Nga với châu Phi đã tăng 30% vào năm ngoái, đạt 24,5 tỷ đô la.
Đối tác tại Nam Mỹ
Tổng thống Putin cũng đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Bolivia Luis Arce. Nga và Bolivia có cách tiếp cận tương đồng đối với các vấn đề chính của chính trị toàn cầu, bao gồm chủ quyền của các quốc gia, quyền tối cao của luật pháp, và không thể can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Khách mời đặc biệt
Khách mời đặc biệt là Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ông đã đến thăm Nga lần gần nhất vào năm 2022. Khi đó, ngoài cuộc gặp Tổng thống Putin, ông đã gặp Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, Chủ tịch Thượng viện Valentina Matviyenko và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov. Ông Putin và vị khách đặc biệt Guterres thảo luận về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Liên hợp quốc, cũng như các vấn đề quốc tế, bao gồm cuộc khủng hoảng Trung Đông và tình hình ở Ukraine.
Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin đã gặp gỡ những người đồng cấp từ các quốc gia sáng lập BRICS, cụ thể là Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Vào ngày thứ hai của hội nghị, ông Putin có cuộc gặp song phương với các Tổng thống Iran, Venezuela và Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Ethiopia.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan chắc chắn là một trong những sự kiện chính trị và ngoại giao toàn cầu quan trọng nhất trong năm nay vì đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của gia đình BRICS mở rộng nhóm họp. Nhóm này hiện đã trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu. Với sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình tương lai toàn cầu, là động lực cho xu thế đa phương, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động và thách thức lớn.
Tòa án liên bang Mỹ đã tuyên án 15 năm tù giam với một đối tượng là cựu thành viên Lực lượng vệ binh quốc gia nước này, với cáo buộc tiết lộ nhiều tài liệu quân sự mật, trong đó có các hồ sơ liên quan đến cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Sergei Shoigu hôm qua 12/11, đã đồng chủ trì tham vấn an ninh chiến lược thường niên giữa hai nước.
Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim đưa tin, Iran đang xây dựng một "đường hầm phòng thủ" tại Thủ đô Tehran, sau các cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu ở Iran.
Hôm thứ Ba (12/11), Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ông Yoon Suk Yeol đã bắt đầu chơi lại bộ môn golf lần đầu tiên sau 8 năm, để chuẩn bị cho một trận golf có thể diễn ra với Tổng thống đắc cử Donald Trump, một người rất yêu thích bộ môn này.
Sau khi được xác nhận là đã thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua ở nước Mỹ, ông Donald Trump đã có nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo các quốc gia trên thế giới. Chuyện điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin thuộc diện được đặc biệt để ý đến.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã quyết định chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng cho nhiệm kỳ tới, đưa ông trở thành người Mỹ gốc Latin đầu tiên giữ vị trí nhà ngoại giao cao nhất của Mỹ.
0