Bốn mùa như lá
Chiều nay, Hường chia sẻ những dòng tự sự của Kim Loan.
Tôi yêu mùa lá rụng. Tôi yêu mùa lá xanh. Tôi yêu nhành non tơ, mùa xuân về chồi biếc. Tôi yêu lá ngay cả khi mùa đông chỉ còn những cành cây trơ trụi.
Ngày lá vô tư hé những nụ mầm nhỏ xinh, cũng là ngày mùa xuân thay áo mới trên những cành lộc biếc. Tách mình ra khỏi chiếc vỏ sần sùi lá bắt đầu sinh sôi, nảy nở như tình yêu đến độ tràn đầy, căng tràn nhựa sống. Hái những búp chè còn thấm đẫm giọt sương, tôi pha một tách mùa xuân. Trà thơm một buổi sớm mai có vị chát ngọt của cuộc đời trong những búp lá non tươi. Lá non là ngày mới, là sự bắt đầu, cũng như mùa xuân là mùa bắt đầu cho một vòng tuần hoàn vô tận. Bỗng dưng tôi không còn thấy quá trễ để bắt đầu. Chả phải mùa xuân qua rồi mùa xuân sẽ lại đến, lá rụng về cội thì một ngày nào đó lá lại vẫn xanh màu, trên những nhánh thanh xuân.

Mùa hè đến với bao nắng mưa, lá trên cây cũng theo mùa cứng cáp cùng năm tháng. Những nhành non hôm nọ, bỗng xanh um những con đường che mát tuổi thơ. Vòm lá xanh reo hát điều gì trong một buổi trưa hè mà những cánh hoa cũng vui tươi múa cùng với gió. Tôi ngắm thật lâu hàng cây phượng vỹ, chiếc giỏ xe của các cô cậu học trò có chở theo chùm hoa đỏ trên những nhánh lá xanh?
“Lá còn xanh như bao anh còn trẻ”, đời lá cũng như đời người đang trong giai đoạn sung mãn nhất. Tưởng tượng như lá có thể đương đầu bao nắng mưa, giông bão, đối chọi lại những thử thách khắc nghiệt của thời gian. Mùa xuân như lá non, mùa hè như lá xanh, lá lại ươm vàng nơi mái phố rêu phong khi mùa thu theo gió heo may về qua thềm nắng.

Khi mùa thu vàng trên những nẻo đường Hà thành, từng chiếc xe bán hoa dạo ngập màu của hướng dương và thơm lừng hương thị. Đó là lúc màu thời gian cũng bắt đầu in hằn lên từng gân lá, lá bắt đầu ngả màu và phai theo mùa của những cơn ngâu.
Tôi bỗng muốn một lần về với Thủ đô mà lang thang khắp lối thu vàng, nghe dịu dàng mùi hương cốm mới. Phố cổ và những ô cửa sổ mùa thu có lẽ là nơi in dấu ấn nhiều nhất của thời gian trên lá, từng chiếc lá vàng xoay vòng, bay bay và đậu nhẹ nhàng trên nền gạch cũ in bóng nắng.
Con người vì thế cũng trầm lắng với thời gian. Khi lá đã vàng, tuổi đời cũng không còn xanh tức là ta cũng đã đi qua bao mùa mưa dông nắng dội đầy thương tích. Chắc cũng không thể tránh khỏi nhiều mất mát. Khi lá vàng khô rụng xuống chân ngày, lá không mang mùa đi, chỉ là mùa cũng như lá, rụng xuống và trôi đi theo dòng nước. Đời người rồi sẽ có mấy lần đi qua mùa thu? Tôi đã bâng khuâng tự hỏi khi nào ta không thể nghe tiếng dội của bước chân mình khi đạp trên lá vàng khô trong một ngày thu trầm?

Ngày nhỏ, tôi hay sưu tầm các loại lá khô có hình dáng đẹp. Sau đó lấy phần gân lá, ép vào trang vở học trò làm vui trong những lần học bài. Có thể vì trông chúng rất đẹp nhưng cũng có thể tôi là người hoài cổ, hay tiếc nuối quá khứ và những gì tươi đẹp. Nhưng nếu như ai đã từng nghe những cơn gió mùa đông thì thầm trong giá lạnh, chắc sẽ hiểu vì sao tôi nâng niu và không nỡ lòng giẫm lên đám lá mục ngoài vườn, khi chúng chỉ còn những gân lá xác xơ. Tôi yêu lá ngay cả khi nhìn những hàng cây trơ trụi mùa đông. Vì khi ấy lá vẫn còn nuôi nấng những ký ức. Lá vẫn có linh hồn, lá vẫn là lá non, lá xanh hay lá vàng chỉ là ở một chu kỳ khác.
Mùa như lá trôi qua mải miết. Đời lá cũng như đời người tuân theo quy luật của kiếp nhân sinh. Trong một ca khúc của Trịnh có câu: “bốn mùa như gió, bốn mùa như mây”. Tôi thì lại thấy bốn mùa như cây, bốn mùa như lá./.


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0