Bỏ xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học năm 2025

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2025, tuyển sinh đại học sẽ không còn xét tuyển sớm. Các phương thức đều được đăng ký và xử lý trên hệ thống tuyển sinh chung.

Tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2025 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/1, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ vẫn đang lấy ý kiến cho dự thảo quy chế tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2025. Nhìn chung, kế hoạch tuyển sinh vẫn giữ ổn định nhưng sẽ có những điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Tuy nhiên, do kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thay đổi với các môn tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên tuyển sinh đại học cũng có thay đổi. Theo kế hoạch, năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức đợt xét tuyển chung trên hệ thống tuyển sinh, thí sinh vẫn được không giới hạn nguyện vọng xét tuyển và thí sinh chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất.

Thông tin về những dự kiến thay đổi năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết dự kiến sẽ không còn khái niệm xét tuyển sớm.

Bà Nguyễn Thu Thủy phân tích, với hệ thống hỗ trợ tuyển sinh hiện nay, dù xét sớm thí sinh vẫn phải nhập tất cả các nguyện vọng lên hệ thống theo kế hoạch của đợt xét tuyển chung, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Cuối cùng thí sinh chỉ đỗ ở một nguyện vọng duy nhất, vào một trường duy nhất.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Báo Thanh niên.

Trong khi đó việc xét tuyển sớm tốn kém nhiều nguồn lực của các trường. Thí sinh cũng mất nhiều thời gian, chi phí để đăng ký hồ sơ vào các trường, dù điều đó có thể giải quyết được một phần áp lực tâm lý.

Mục tiêu ban đầu của việc tuyển sinh sớm (như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển) là để tuyển được thí sinh vượt trội, tài năng. Nhưng việc xét tuyển sớm mà các trường đang thực hiện lại phần lớn có lợi cho các em học sinh yếu, khi học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường. Thậm chí, lâu nay việc xét tuyển sớm còn gây bất lợi, thiếu công bằng cho những thí sinh không có khả năng tham gia kỳ thi riêng, không có điều kiện thi các chứng chỉ.

Sau khi tiếp nhận ý kiến chuyên gia, thầy cô giáo, Ban soạn thảo quy chế tuyển sinh sẽ trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xét tuyển sớm. Khái niệm xét tuyển sớm ở đây là sớm về mặt thời gian, xét tuyển trước thời điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong đợt xét tuyển chung sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường có thể sử dụng tất cả phương thức xét tuyển, như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, điểm thi các kỳ thi riêng... Hiện nay hệ thống chung của Bộ đã hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ việc xét tuyển đại học ở mọi phương thức.

Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh mà Bộ đang lấy ý kiến có quy định các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu.

Năm 2025, tuyển sinh đại học sẽ không còn xét tuyển sớm. Ảnh minh hoạ.

Khái niệm xét tuyển sớm là chỉ các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ. Việc xét tuyển sớm được nhiều trường tổ chức, bằng các phương thức xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc kết hợp nhiều tiêu chí.

Những năm gần đây, việc xét tuyển sớm có sự cạnh tranh khá gay gắt ở các trường top đầu; tuy nhiên cũng có không ít trường lấy điểm đầu vào rất thấp ở các đợt này.

Vụ trưởng Giáo dục đại học cho biết thêm, Bộ dự kiến bổ sung thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với nhóm ngành sức khỏe, sư phạm. Điều chỉnh này tạo thuận lợi, công bằng hơn cho các thí sinh tự do. Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh mà Bộ đang lấy ý kiến, điểm sàn ở các nhóm ngành này chỉ dùng điểm học bạ.

Một sửa đổi đáng chú ý nữa của dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh lần này là sẽ không còn phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Thay vào đó, hệ thống sẽ xét tuyển theo kết quả từ cao đến thấp ở tất cả phương thức.

Để làm như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Khi đó, không còn giới hạn tỷ lệ chỉ tiêu ở các phương thức tuyển sinh mà sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp, ở tất cả các phương thức. Bộ cũng quy định các trường khi xây dựng tổ hợp xét tuyển một ngành, chương trình phải có số lượng môn chung nhất định, đó là những môn học kỹ năng, năng lực cốt lõi của ngành đó.

Theo TTXVN

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Quốc hội dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi nội dung: Học sinh tốt nghiệp cấp 2 chỉ cần hiệu trưởng xác nhận thay vì cấp bằng. Sự thay đổi này phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp và xu thế quốc tế.

Từ khóa “tự học” và “học suốt đời” được nhấn mạnh như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.

Trong môi trường giáo dục, quyết định kỷ luật có thể mang lại động lực cho học sinh, nhưng ngược lại cũng có thể làm các em xấu hổ, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Kỷ luật nên xuất phát từ tình yêu thương, sự bao dung và tôn trọng học trò, không làm tổn thương các em.

5 trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội thu học phí lớp 6 từ 3,6-5,78 triệu đồng một tháng, tương đương nhiều trường tư.

Chủ đề: Chữa đề tham khảo theo mẫu minh họa của Bộ GD-ĐT. Giáo viên Nguyễn Thị Thu Hằng - Trường THPT Phan Đình Phùng - Hà Nội.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, Sở Nội vụ và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025, vào sáng 11/5.