Không để vướng mắc pháp lý cản trở sản xuất, kinh doanh

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính xử lý vướng mắc pháp lý cản trở sản xuất, kinh doanh theo phản ánh của doanh nghiệp và báo cáo trước ngày 1/8.

Trong đó, vướng mắc nhiều nhất liên quan đến thủ tục hành chính không rõ ràng, không cần thiết, chưa có hướng dẫn thực thi, thậm chí là can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp; nhiều hồ sơ vẫn được hướng dẫn theo hướng yêu cầu cung cấp tài liệu giấy,… là các rào cản mà nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phải thời gian qua.

Mặc dù đã đưa công nghệ vào toàn bộ dây chuyền sản xuất, phát triển trung tâm R&D riêng và đào tạo đội ngũ kĩ sư theo tiêu chuẩn quốc tế, song để tham gia sâu hơn vào những dự án hiện đại, yêu cầu công nghệ cao, doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn liên tục gặp khó về thủ tục.

Ông Trần Văn Quân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Weldcom cho biết: "Chúng tôi cần nhất các thủ tục về chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, các thủ tục về đăng kí bản quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, chúng tôi rất muốn đầu tư vào một khu công nghệ cao để có mặt bằng thử nghiệm các giải pháp R&D về các ngành công nghiệp đón đầu".

Thực tế, hiện nay vẫn còn lưu hành một số văn bản được ban hành từ 10-15 năm trước, trong đó nhiều điểm không còn phù hợp thực tế. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng lo lắng khi tốc độ sửa đổi một số văn bản hiện rất nhanh, nhiều văn bản vừa được ban hành đã có trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung,... Do đó, việc lập các tổ công tác để tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp, sau đó phối hợp với các bộ, ngành được giao soạn thảo để nghiên cứu, xem xét là việc làm cần ưu tiên lúc này.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng: "Việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy, bỏ cấp huyện đã là động lực rất lớn cho kinh tế tư nhân phát triển. Những thủ tục còn lại vẫn rất nhiều nên cần rà soát những thủ tục nào có thể gộp lại hoặc đang chồng chéo".

Bà Đoàn Thu Nga, Chủ tịch Công ty Luật TNHH LAWPRO cũng cho rằng, cần minh bạch hóa thông tin trên cơ sở không hình sự hóa quan hệ kinh tế và thủ tục hành chính, tức bản thân mọi người dân đều muốn tuân thủ pháp luật. Do vậy trong quá trình thực hiện, phát hiện lỗ hổng, thiếu sót cần cố gắng tạo điều kiện tối đa, cử bộ để hướng dẫn cũng như cho doanh nghiệp thời gian để làm đúng, làm đủ.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025, tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp cần hợp sức, tăng tốc “về đích”. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng quyết liệt tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Nếu việc thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi hơn, sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, khai thác tốt các cơ hội thị trường.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời