Bỏ lại ngày nắng tắt
Tôi cứ mãi loay hoay trong dòng đời vội vã, cơm áo gạo tiền che lấp những giấc mơ. Tôi ngẩn ngơ xa lạ với chính mình, những toan tính đã che lấp đi những mong muốn cá nhân, những hoài bão đẹp đẽ của thời niên thiếu.
Còn nhớ ngày xưa khi có người hỏi lớn lên tôi muốn làm gì, tôi đã trả lời rằng muốn trở thành cô giáo dạy văn. Tôi cứ đinh ninh như thế cho đến hè năm lớp mười hai, khi chuẩn bị đăng ký thi đại học thì ai cũng khuyên tôi nên theo khối A, vì giáo viên văn nghèo lắm.
Cái từ nghèo là nỗi ám ảnh của gia đình tôi, chỉ một lý do đó thôi mà tôi đăng ký vào Đại học Kinh tế. Từ một cô bé mộng mơ yêu thích văn chương, nghệ thuật, tôi trở nên khô khan cùng những con số, những dự án đầu tư. Học xong, ra trường, đi làm, lập gia đình, tôi từ lâu chỉ nghĩ đến kiếm tiền. Thậm chí tôi lầm tưởng càng kiếm được nhiều tiền là càng thành công và hạnh phúc.

Và thật vậy, bên ngoài nhìn vào, có thể thấy gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc. Tôi là người phụ nữ hạnh phúc khi so với các bạn đồng trang lứa, tôi có một công việc nhàn nhã ở văn phòng máy lạnh và thu nhập nhất định.
Khi cuộc sống phần nào ổn thỏa, thỉnh thoảng giấc mơ văn chương cũng trở lại với tôi. Nhưng mỗi khi tôi đăng một bài thơ hay một đoạn văn lên mạng xã hội, tôi rất ngại ngùng khi đồng nghiệp hay người nhà nhìn thấy vì họ sẽ trêu chọc. Những sự kỳ thị đó đã một lần nữa dập tắt ước mơ trong tôi. Tôi cũng trở nên kỳ thị chính mình vì trong cộng đồng tôi sống, không có ai có đam mê viết như tôi cả.

Thế rồi như là duyên nợ, tôi tình cờ quen biết các bạn có niềm yêu thích viết lách. Như nụ mầm từ lâu ấp ủ, đến một ngày những ước mơ đó trong tôi nở hoa. Những bài viết của tôi dần dần được đăng trên các báo.
Trải lòng với con chữ, tôi cũng phần nào giải tỏa những điều từ lâu không dám bày tỏ, nói đúng hơn là dần dần bước ra khỏi cái vỏ ốc của mình. Từ một người không dám đăng các bài viết lên trang cá nhân, tôi mạnh dạn khoe những thành tích mà mình đạt được.
Hóa ra tôi đã nhạy cảm khi nghĩ rằng mọi người kỳ thị, anh em và đồng nghiệp cũng chúc mừng tôi. Và đặc biệt là người bạn đời cũng dường như chấp nhận chứ không còn phản đối như lúc đầu nữa.

Tôi bước thật chậm để nhìn ngắm chiếc bóng của mình, bản thể mà tôi đã bỏ quên từ lâu để chạy theo những thứ mà tôi cho là cần thiết hơn những ước mơ nhỏ bé. Tôi đã bỏ lỡ giấc mơ viết lách từ mùa hè năm ấy khi rẽ ngang sang một lĩnh vực khác. Thật sự thì tôi đã lầm, văn chương không quy định tôi phải làm nghề gì, phải sống trong hoàn cảnh như thế nào, chỉ cần có tình yêu với con chữ thì bất cứ khi nào chúng cũng đến bên ta bầu bạn.
Cuối cùng, tôi cũng tìm lại được ước mơ của năm mười tám tuổi. Tôi sẽ lại sống như những gì mình mong muốn. Tôi sẽ tự thắp lên cho mình một ngọn lửa nhiệt huyết và bỏ lại ngày nắng tắt.


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0