Bó hoa hồng cuối
Nắng rơi bên thềm, bóng nắng lung linh soi trên những chiếc lá vàng vừa rụng đêm qua vào chỗ mẹ hay ngồi hong tóc. Tôi nhớ bà vừa chải tóc vừa mỉm cười nhìn các cháu chạy vòng quanh, nụ cười chan chứa bao trìu mến mà mẹ vẫn luôn dành cho chúng tôi từ hồi thơ bé. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay nằm mơ thấy mẹ, trong mơ, bà vẫn cười rất hiền. Tôi ngỡ như nụ cười đó vẫn mãi theo tôi cho đến khi tỉnh giấc.

Ảnh minh hoạ: giadinhnestle.com.vn.
Nụ cười đó giống hệt như nụ cười trong Ngày của Mẹ cách đây 15 năm. Hôm ấy chính là ngày cuối cùng mẹ tôi còn tỉnh, bà nằm cạnh cửa sổ nhìn ra khu vườn khi chị tôi về thăm. Chị tôi ôm một bó hoa hồng đỏ tặng mẹ và rưng rưng không nói. Mẹ tôi cũng không nói, bà nhìn hoa và cười. Có lẽ đó cũng là lần cuối tôi nhìn thấy mẹ cười, vì tối hôm đó bệnh tình trở nặng, mẹ hôn mê và mãi mãi đi vào trong giấc mơ.
Tôi luôn có những bí mật, và tôi đồ rằng bất cứ đứa trẻ nào cũng thế. Nhưng tôi biết tôi có thể giấu bất kỳ ai, trừ mẹ, ngay cả khi bà không còn trên cõi đời này. Vốn dĩ mẹ tôi là một người phụ nữ rất thông minh, tôi trộm nghĩ nếu bà mà là một người lãnh đạo thì sẽ rất tuyệt vời. Thế nên tôi không qua mắt được mẹ dù là những tâm tư thầm kín nhất. Mẹ tôi tôn trọng tất cả những thế giới của cả thảy bảy anh em chúng tôi. Trong giấc mơ kinh doanh của anh trai tôi, mẹ tôi làm một người đầu tư thầm lặng. Trong giấc mơ làm thiết kế thời trang của chị gái tôi, mẹ tôi làm một khách hàng. Còn trong thế giới “bí mật” của một cô bé mộng mơ như tôi, mẹ tôi gieo trồng những bông hoa đầu tiên, vì mẹ biết tôi ước mơ sẽ trở thành một nàng công chúa đội vương miện hoa hồng bên khung cửa sổ trổ ra khu vườn lung linh ánh nắng.

Ảnh minh hoạ: Bevadochoi.com
Mẹ tôi thực sự là siêu nhân. Tôi không hiểu vì sao bà có thể vừa làm biết bao việc, đồng hành cùng chúng tôi suốt những năm đèn sách mà có thể hiểu rõ tính khí của từng đứa con, làm người hùng thầm lặng nâng đỡ bước chân con khôn lớn mà chưa từng lớn tiếng hay đòn roi gì cả. Bà chăm chỉ hay lam hay làm, tận tụy vun vén lo cho chồng con từng chút một, hy sinh đến mức chẳng còn nhìn đến bản thân mình. Trong ký ức của tôi hình như mẹ tôi còn không dám cả ốm, chưa từng một ngày được hưởng thụ. Nhiều khi tôi bất lực nghĩ rằng, sao mẹ không sống cho mình một chút vì tình yêu và sự biết ơn của chúng tôi không thể mang về cho mẹ sức khỏe và thời son trẻ.
Như một sứ mệnh, mẹ dắt tôi vào một thế giới lung linh huyền ảo bằng những câu chuyện cổ tích hằng đêm. Tuổi thơ của tôi tràn ngập mùi hương với một khu vườn bí mật có những cụm hoa hồng, vài bụi hoa nhài và những lối đi mọc đầy hoa tóc tiên ngộ nghĩnh. Đó là nơi tôi thậm chí có thể chạm đến cầu vồng rực rỡ sau những cơn mưa. Cho đến bây giờ, đó là nơi chốn duy nhất và cuối cùng trên cuộc đời này để tôi có thể bình an, có thể can đảm, dịu dàng và tử tế.

Ảnh minh hoạ: Spa bà bầu.
Mười tám tuổi, tôi xa nhà để vào đại học. Lần đầu tiên xa mẹ, tôi rấm rức khóc hàng đêm, như một đứa bé bị cai sữa. Xa mẹ, tôi vừa lớn vừa ngơ ngác vấp ngã, vỡ mộng khi cuộc sống thật ít ngọt ngào và hiếm tin yêu. Có lúc tôi còn quay sang trách do mẹ bảo bọc tôi quá mức, để giờ tôi không thích nghi kịp với cuộc sống ngoài kia. Rồi vòng tay mẹ không với tới thế giới của tôi nữa. Tôi loay hoay giữa yêu thương và đổ vỡ, tin cậy và hoài nghi, kiêu hãnh và mặc cảm. Có những lúc tổn thương cùng cực, tôi lê về nhà nằm im trong phòng. Quanh đi ngoảnh lại cũng vẫn là mẹ lại dịu dàng vỗ về tôi. Ừ thì giấc mơ có thể bỏ ta đi nhưng giấc mơ cũng có thể quay trở lại. Mẹ vẫn để hé cánh cửa sổ nhìn ra khu vườn, để tôi yên tĩnh lắng nghe và nhìn thật sâu vào chính mình. Và những lúc tuyệt vọng đó, tôi đã nhìn thấy những bông hoa hồng bé nhỏ, những bông hoa không ồn ào, không thúc giục, chỉ cảm động và đầy an ủi, hóa ra tôi không phải chỉ có một mình!

Rồi tôi chợt nhận ra mình thật tệ khi cứ đau khổ lại lết về nhà. Vì như thế vô tình vết thương của tôi đã truyền hết sang cho mẹ. Tôi thường nghe mẹ khấn vái ơn trên phù hộ cho chúng tôi. Bà tin rằng phúc đức tại mẫu nên luôn sống thiện lương để tạo dựng một thứ tài sản vô hình cho các con. Thỉnh thoảng chúng tôi chăm chút cho mẹ một ít vật chất thì mẹ lại bảo mẹ già ăn uống chả bao nhiêu, mẹ chỉ cần các con sống tốt.
Ngày mẹ mất, tôi buộc khăn tang cho tất cả các cây trong vườn, những nhánh hoa hồng vướng gai vào tay tôi, ứa máu. Tôi giống mẹ như đúc, từ khuôn mặt, vóc dáng cho đến nụ cười, tôi giống mẹ đến nỗi mọi người cứ hễ nhìn tôi là lại nhớ mẹ tôi. Tôi không dám chắc lắm nhưng tôi tin chữ duyên của nhà Phật và những câu chuyện tiền kiếp quay về. Tôi thật hạnh phúc khi được làm con của mẹ. Dù giờ đây, khu vườn tràn ngập những đóa hồng nhung đỏ thắm thì tôi vẫn nhớ bó hoa hồng cuối cùng có nụ cười miên viễn của mẹ tôi.


Tôi chưa bao giờ mong đợi quá nhiều vào ngày 14/2. Không phải vì tôi không tin vào sự lãng mạn mà vì tôi nghĩ rằng tình yêu không cần một ngày cụ thể để rực rỡ.
Trong thơ Xuân Diệu có câu: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”, có lẽ ông cũng thầm ngụ ý rằng, tháng Giêng đẹp như một nàng thiếu nữ. Có người yêu tháng Giêng qua những nhành lộc biếc, khi nắng ấm trở về óng ánh búp non tơ.
Trong cái rét lạnh giá của mùa đông còn vương vấn lại, ta gặp những hạt mưa bé nhỏ gieo vào lòng mùa xuân mà thổn thức, bâng khuâng. Người ta gọi đó là mưa phùn hay lấy mùa mà đặt tên cho nó là mưa xuân.
Giêng Hai – hai tháng đầu năm như một khúc dạo đầu dịu dàng cho bản nhạc bốn mùa của đất trời. Mỗi lần nhắc đến Giêng Hai, lòng ai đó lại bâng khuâng với bao kỷ niệm. Đó là những ngày tháng gợi thương, gợi nhớ, dịu dàng như một chiếc khăn voan mỏng, nhẹ nhàng phủ lên tâm hồn, mang theo chút se lạnh, chút ấm áp, chút hy vọng, và cả những giấc mơ xuân còn ngái ngủ.
Mùa xuân Hà Nội đẹp như một giấc mơ. Là chút tinh khiết, tim tím của hoa ban, là chút hoa sưa mong manh trắng cả lối đi, là chút hoa gạo rụng lã chã ven hồ Gươm, là chút mưa phùn bay bay trong gió, là những ước vọng về tình yêu, cuộc sống được gửi gắm vào ngày xuân.
Trong nhớ thương xứ sở, có người neo mình vào ngôi chợ quê. Cái chợ chồm hổm dựng xiêu vẹo từ mấy thanh gỗ, với mái che là tấm bạt xanh hay dùng của dân làm rẫy. Trong nỗi bùi ngùi chia tay cái Tết qua đi vội vàng, nhiều người vẫn còn chưa kịp thưởng thức hết những hồn quê tinh túy, thì đã lại ra Giêng, mang theo một nỗi nhớ khác, ra Giêng đi chợ.
0