Bên ly trà đá vỉa hè có một Hà Nội bình yên
Ngồi trà đá vỉa hè như một thói quen ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của con người tại Thủ đô nhộn nhịp. Đằng sau tất cả những ồn ào và xô bồ thì trà đá vỉa hè được nhiều người nhìn nhận như là một nét "văn hóa" đậm chất riêng của người Hà Nội.
Không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, trà đá vỉa hè đáp ứng được tất cả những nhu cầu của mọi tầng lớp người dân. Thanh niên lấy quán đá làm không gian sinh hoạt chung, dân công sở chọn đó làm nơi tụ tập trong giờ nghỉ trưa, còn những người lao động chân tay ghé qua gọi một cốc trà đá vừa rẻ vừa mát để giải khát.
Không ai biết trà đá xuất hiện từ bao giờ, có người nói từ sau năm những 1930, khi người dân Hà Nội bắt đầu quen với đồ uống có đá. Những cốc trà đá mát lạnh với hậu vị ngọt thanh đã trở thành thức uống giải tỏa cơn khát trong ngày hè oi bức. Dần dà, hơn cả thói quen, trà đá vỉa hè trở thành nếp sống.
Càng trong phố cổ, quán trà đá vỉa hè dường như càng nhiều hơn. Có những quán trà mà tuổi đời đã hàng chục năm, chứng kiến bao đổi thay của con người và phố thị. Bộ hành qua phố cổ, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh một Hà Nội xưa cũ và bình yên trong những căn nhà cũ, bên cạnh là những con ngõ chỉ rộng chưa đầy 1m, thậm chí người đi bộ di chuyển cũng khó khăn.
Tấc đất tấc vàng, nhưng có những ngôi nhà mặt phố chỉ mở hàng nước, như quán trà đá của bà Đặng Thị Nguyệt ở Hàng Cót: "Bán cái này thì bán vui thôi, chứ để mà nhiều thì cũng không lãi nhiều. Không chỉ riêng hàng nhà cô, nhà nào cũng bán. Tất cả những người nào già, về hưu không còn sức khỏe nữa thì ngồi. Ở Hà Nội, thứ nhất là tất cả những khách vãng lai ở các tỉnh lên, thứ hai là mình đi ra gặp nhau nói chuyện, có thể là vài ba người hàng xóm ngồi mời nhau, nói chuyện, rồi bạn cùng lớp, cùng tuổi đến để ngồi buôn".
Gia đình bà mở quán nước từ những năm 80 truyền lại đến tận bây giờ. Các loại đồ uống theo thời gian cũng đa dạng hơn để chiều lòng ẩm khách, nhưng đặc trưng nhất vẫn là trà đá, nước vối đá, mỗi cốc chỉ 3 đến 5 nghìn đồng. Với những người đã có tuổi như bà Nguyệt, mở quán ngay trước cửa nhà như một nhu cầu điểm hẹn. Vài cụ già ngồi đánh cờ, hút thuốc lào; mấy người lao động ngoài trời tìm bóng râm và ly nước mát; vài thanh niên "chém gió" lúc rảnh rang, hay vài vị khách Tây lân la trải nghiệm nét văn hóa bản địa trong sự tò mò và thích thú.
Còn bà Nguyễn Thị Hoa sinh sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã có thâm niên bán trà đá gần 40 năm. Quán trà nơi con ngõ nhỏ của bà đã nuôi sống cả một gia đình, là nơi chia sẻ bao vui buồn của người Hà Nội.
"Tôi bán từ 9/3/1988 đến giờ, từ thời bao cấp, vừa trông con vừa hàng, các cháu nó bây giờ hai đứa trưởng thành đại học xong rồi, hồi xưa một mình tôi bán quán trà nhỏ này nuôi cả gia đình." bà Hoa chia sẻ.
Người ta vẫn thường nói vui với nhau rằng, quán trà đá là "trung tâm văn hóa" của cả một khu phố hay với cái tên kêu hơn "thông tấn xã vỉa hè". Ngang qua một quán trà đá vỉa hè, bạn có thể nghe được đủ thứ chuyện trên đời. Từ thời sự báo đài, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến y tế, thể thao, có thể là cả chuyện đầu ngõ cuối xóm, gia đình, con cái, tiền điện tiền nước. Thậm chí nhiều cuộc thương lượng, đàm phán diễn ra ngay quán trà.
Và có cả những người đi xa, về phố, chỉ thèm một ly trà đá, để cảm nhận một Hà Nội an yên. Giới trẻ giờ có nhiều sự lựa chọn khi cần tìm một chỗ để gặp nhau. Những quán cà phê có điều hòa, có cả giá sách, cả nhạc với nhiều loại đồ uống thời thượng. Dẫu vậy vẫn có những bạn trẻ lựa chọn dừng chân tại quán trà đá vỉa hè.
Ở Hà Nội gần như đâu đâu cũng có trà đá trong những con ngõ trên những góc phố. Gọi là quán chứ thực ra có khi chỉ là một cái bàn nhỏ, chẳng cầu kỳ về mẫu mã, quy cách, tùy theo sự tận dụng của chủ quán, sao cho gọn nhẹ nhất. Mấy cốc nước ấm, trà và vài ba cái ghế thế là đủ cho một quán trà đá vỉa hè. Thậm chí có những quán trà mở trong khuôn viên gia đình cũng cứ được gọi với cụm từ trà đá vỉa hè như để nói lên sự đặc trưng phổ biến của nó.
Đặc biệt, nếu bạn để ý một chút sẽ thấy một điều rất thú vị. Cứ bên cạnh một sạp báo, đặc biệt là quán ăn vỉa hè, y rằng có một quán nước nhỏ bán trà đá như thể nó buộc phải có, để đáp ứng nhu cầu của khách ăn hàng vậy. Với chị Nguyễn Thu Hường ở Đống Đa, Hà Nội thưởng thức một bát phở, thêm một cốc trà đá mát lạnh vào buổi sáng đã trở thành một thói quen thân thuộc bao năm qua.
"Thói quen trà đá buổi sáng sau bữa ăn là một thói quen có từ rất lâu của mình rồi. Đó như một chất xúc tác, một khởi đầu trong một cái ngày mới làm việc." chị Hường chia sẻ.
Dường như trà đá vỉa hè đã trở thành chốn nghỉ chân của tâm hồn, để người ta tạm quên đi những gánh nặng cơm áo gạo tiền, quên đi những chuyện buồn nhỏ nhen vặt vãnh, để thấy lòng mình rộng hơn, vị tha hơn. Hà Nội vội vã nhưng bên ly trà đá, nhịp sống thoáng chốc chậm lại. Đang bận việc nhưng vì mệt quá, khát quá, người ta vẫn có thể tấp xe vào vỉa hè, ngồi xuống, uống cạn một ly trà đá. Nếu rảnh hơn hoặc lúc chờ đợi ai đó, trà đá là sự lựa chọn lý tưởng.
Bên ly trà đá, người ta kể về đủ chuyện của cuộc đời. Đôi khi nó lại là nơi ngồi lặng ngoái nhìn lại cuộc đời để thấy những biến cố thăng trầm suốt những năm tháng dài đã qua và hướng về tương lai với những hy vọng tươi sáng còn đang ấp ủ.
Giản dị vậy thôi nhưng thói quen trà đá vỉa hè lại là nỗi nhớ, niềm thương của những người con xa Hà Nội và là sự tò mò thôi thúc khám phá với những du khách khi đến với mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Giữa chốn phồn hoa đô thị, nơi mà nhiều thú vui khác du nhập vào, quán trà đá vỉa hè vẫn là một nơi bình yên mà sâu lắng, là thứ gì đó tao nhã, bình dị đến mức thân quen. Dù ngoài mặt phố hay những con ngõ nhỏ, thì mỗi quán trà đá nhỏ xinh như đều gánh đủ hỉ nộ, ái ố của bao nhiêu con người.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng nghe đến câu nói vui "Hà Nội không vội được đâu". Và điển hình của từ không vội ấy, ta có thể tìm thấy ở bất cứ quán trà đá vỉa hè nào. Một hình ảnh bình dân, thú vui gần gũi bình thường nhưng len lỏi vào đời sống một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Để thấy lâu lâu không ngồi thì nhớ, thấy xuyến xao như Trịnh Công Sơn đã từng thốt lên rằng: "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ".
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.
0