Bầu cử Mỹ 2024: Sự phân cực khổng lồ giữa ông Trump và bà Harris

Tuần qua, một sự kiện liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dành được sự quan tâm lớn đó là màn tranh luận trực tiếp đầu tiên và có khả năng là duy nhất giữa Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Cuộc đối đầu này ít nhiều tác động tới quyết định của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cửa vào tháng 11 tới.

Tầm nhìn đối lập của hai ứng cử viên

Cuộc tranh luận tối 10/9, theo giờ Mỹ do đài ABC News tổ chức tại bang Philadelphia, được phát sóng trực tiếp trên 17 kênh truyền hình của Mỹ, gồm các kênh lớn như ABC, NBC, CBS, MSNBC, Fox và CNN, thu hút khoảng 67,1 triệu người theo dõi, đó là chưa kể hàng triệu người xem khác trên các trang web và nền tảng trực tuyến.

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ bắt tay nhau trước cuộc tranh luận
Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ bắt tay nhau trước cuộc tranh luận

Ngay từ những phút đầu tiên, bà Harris tỏ ra thoải mái và chủ động tới bắt tay ông Trump, điều mà ông dường như không sẵn lòng làm. Trong suốt cuộc tranh luận, bà Harris tỏ ra là người tràn đầy năng lượng, liên tục đưa ra những thông điệp tích cực về tương lai của nước Mỹ; trong khi ông Trump thể hiện sự hoài nghi, chỉ trích tình trạng của quốc gia và cho thấy thiếu năng lượng. Bà Harris không chỉ đối đầu với ông Trump một cách mạnh mẽ mà còn cho thấy khả năng làm chủ sân khấu và tình huống.

Cuộc tranh luận vừa qua cho thấy từ chính sách về thuế quan đến năng lượng và vấn đề nhập cư, cho tới đối ngoại, hai ứng cử viên đã đưa ra những tầm nhìn trái ngược nhau.

Các ứng cử viên mở đầu cuộc tranh luận bằng cách tập trung vào nền kinh tế, một vấn đề mà các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có lợi cho ông Trump.

Ông Trump chỉ trích bà Harris về tình trạng lạm phát mà ông đã nói là tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. "Hãy nhìn xem, chúng ta có nền kinh tế tồi tệ vì lạm phát, được coi như yếu tố phá hoại nước Mỹ. Chúng ta chứng kiến tình trạng lạm phát hiếm gặp, có thể là tồi tệ nhất trong lịch sử", ông Trump đưa ra ý kiến trong cuộc tranh luận.

Ông cũng kêu gọi mọi người nhìn lại nền kinh tế thời kỳ Tổng thống của ông một cách khách quan. "Tôi đã tạo ra một trong những nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước chúng ta", ông nói.

Ông Trump và bà Harris tại buổi tranh luận
Ông Trump và bà Harris tại buổi tranh luận.

Ngược lại, bà Harris chỉ trích ý định áp thuế cao đối với hàng hóa từ nước ngoài của ông Trump, một đề xuất mà bà ví như thuế bán hàng đối với tầng lớp trung lưu. Bà có kế hoạch giúp đỡ các gia đình Mỹ đang lo lắng về nền kinh tế và chi phí sinh hoạt. Theo đó, bà Harris đề cập kế hoạch xây dựng một “nền kinh tế cơ hội”, bao gồm các đề xuất nhằm giúp nhà ở có giá cả phải chăng hơn và mở rộng khoản tín dụng thuế 6.000 USD dành cho các gia đình có trẻ em và khoản khấu trừ thuế 50.000 USD cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bà Harris nhấn mạnh vào việc tạo ra 800.000 việc làm sản xuất mới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Trong một nỗ lực phản công, ông Trump đã tập trung vào vấn đề cốt lõi mà chiến dịch tranh cử của ông theo đuổi: nhập cư và an ninh biên giới. Ông khẳng định những người nhập cư đã “phá hủy cấu trúc đất nước chúng ta”; đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách của bà Harris sẽ không khác gì dưới thời Biden.

Ông Trump đề xuất một cách tiếp cận cứng rắn hơn nhiều, hứa hẹn sẽ tiến hành một "chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử". Ông đề xuất sử dụng Vệ binh Quốc gia và thậm chí cả quân đội nếu cần thiết để thực thi các chính sách nhập cư. Ông Trump cũng nhấn mạnh kế hoạch xây dựng bức tường biên giới và thực hiện chính sách "Ở lại Mexico" đối với người xin tị nạn.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Phó Tổng thống Harris bảo vệ cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden, nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống nhập cư toàn diện, ủng hộ việc tăng cường an ninh biên giới kết hợp với con đường dẫn đến quyền công dân cho người nhập cư bất hợp pháp đã lâu năm ở Mỹ. Bà Harris cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ vào.

Các ứng cử viên cũng chỉ trích lẫn nhau về cuộc chiến tranh Israel-Gaza và cuộc xâm lược Ukraine của Nga, mặc dù không ai đưa ra chi tiết về cách họ sẽ tìm cách chấm dứt từng cuộc xung đột.

Trong phần phát biểu kết thúc tranh luận, Phó tổng thống Kamala Harris đã cố gắng tạo ra một sự đối lập về tầm nhìn cho nước Mỹ giữa bà và ông Trump. Một người tập trung vào tương lai và người còn lại thì nhìn về quá khứ và tìm cách đi giật lùi.

“Chúng ta sẽ không đi ngược trở lại”, bà Harris nói. “Và tôi tin rằng người dân Mỹ biết rằng chúng ta có nhiều điểm chung hơn là những điều chia rẽ chúng ta, và chúng ta có thể định hình một hướng đi mới về phía trước”.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AFP

Tác động của cuộc tranh luận tới cuộc đua vào Nhà Trắng

Bà Harris đã thành công trong việc thể hiện mình là một đối thủ mạnh mẽ và quyết đoán hơn ông Trump trên sân khấu, khiến những người theo dõi tranh luận có cái nhìn tích cực hơn về bà. Tuy nhiên, điều này có thể chưa đủ để thay đổi quan điểm của nhiều cử tri. Những cử tri theo dõi cuộc tranh luận chia sẻ rằng họ có cái nhìn cải thiện về bà Harris so với trước đó, nhưng quan điểm của họ về ông Trump hầu như không thay đổi.

Các cuộc tranh luận giữa hai ứng cửa viên Tổng thống không nhất thiết thay đổi suy nghĩ của cử tri, nhưng chúng có thể thay đổi động lực của cuộc đua vào Nhà Trắng. Sự lép vế trong cuộc tranh luận trực tiếp của Tổng thống Joe Biden trước cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 6 đã khiến ông Biden phải từ bỏ chiến dịch của mình vào ngày 21/7.

Mặc dù màn trình diễn của bà Harris nhận được đánh giá cao, điều này không đồng nghĩa với việc bà sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Chiến thắng trong tranh luận chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể chiến dịch. Trong quá khứ, những ứng viên như ông Trump năm 2016 hay George W. Bush năm 2004 đã bị coi là thua trong các cuộc tranh luận nhưng vẫn chiến thắng trong bầu cử. Theo số liệu trung bình của cuộc thăm dò do tờ New York Times tổng hợp, hai ứng cử viên về cơ bản là ngang nhau ở 7 bang chiến trường có khả năng quyết định cuộc bầu cử. Tại 7 bang này, kết quả vẫn khá sít sao, dự báo một cuộc đua kịch tính.

Theo khảo sát nhanh của CNN ngay sau cuộc tranh luận, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump gần như không thay đổi: tỷ lệ có quan điểm tích cực về cựu tổng thống vẫn là 39% và tỷ lệ có quan điểm tiêu cực vẫn giữ ở mức 51%,

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ đánh giá bà Harris tích cực tăng từ 39% lên 45%. Nhóm cử tri độc lập ghi nhận thay đổi đáng kể nhất: từ 30% lên 48% ngay sau sự kiện. Dù vậy, 82% cử tri được hỏi cho biết cuộc tranh luận không ảnh hưởng đến quyết định của họ.

Điều bà Harris cần cải thiện nếu muốn chiến thắng

Mặc dù Phó Tổng thống Kamala Harris đã có một số màn trình diễn tốt, đặc biệt là trong cuộc tranh luận trực tiếp và đã nâng cao uy tín trong cuộc đua, nhưng lợi thế của bà trong lĩnh vực kinh tế vẫn chưa thực sự thuyết phục được cử tri, đặc biệt là tại các bang chiến trường. Nhiều chiến lược gia cảnh báo rằng, nếu không thể đánh bại lợi thế của ông Trump về quản lý kinh tế, bà Harris có thể gặp khó khăn trong việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Kinh tế thường là vấn đề đứng đầu trong danh sách mối quan tâm của cử tri Mỹ. "Các vấn đề lớn nhất mà cử tri quan tâm, đó là lạm phát và phục hồi nền kinh tế - cả hai đều sẽ phải đưa ra những chính sách tiềm năng cho các vấn đề này. Chẳng hạn, bà Harris đề xuất kiểm soát giá cả một số hàng hóa, nhưng bây giờ lạm phát thực phẩm đã hạ nhiệt, hay ông Trump muốn chặn dòng người nhập cư - điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao thị trường lao động Mỹ, điều đó phải chờ vào hiệu quả thực tế", ông Olu Sonola - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ, hãng tín nhiệm Fitch Ratings cho biết.

Phố Wall, biểu tượng cho sức mạnh của kinh tế Mỹ

Bà Harris đang nỗ lực vạch ra những điểm mới trong tầm nhìn kinh tế so với Tổng thống Biden, nhằm khiến cử tri cảm thấy bà sẽ mang đến những thay đổi tích cực.

Ông Trump luôn tìm cách gán bà Harris với chính sách kinh tế của ông Biden, cho rằng việc đảng Dân chủ thay ứng viên không tạo ra khác biệt. Lạm phát đã tăng vọt trong nhiệm kỳ của ông Biden sau khi đại dịch Covid-19 làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng, song đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào năm 2022. Lạm phát đang theo đà giảm và dự kiến xuống mức mục tiêu 2%, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump và các đồng minh vẫn liên tục công kích phe Dân chủ về vấn đề này.

Mặc dù Phó Tổng thống Harris đã đưa ra nhiều đề xuất kinh tế nhằm cải thiện đời sống của người dân Mỹ. Nhiều chiến lược gia Dân chủ cho rằng bà Harris cần phải làm nhiều hơn để thắng thế trước ông Trump về kinh tế và dành được sự ủng hộ từ những cử tri còn do dự. Theo các chiến lược gia, bà cần thuyết phục cử tri rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng và sẽ tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo của bà. Ứng viên của đảng Dân chủ cần có cách trình bày các đề xuất của mình một cách cụ thể, rõ ràng hơn để các cử tri hiểu và tin tưởng vào bà.

Khảo sát do New York Times/Đại học Siena thực hiện cho thấy, 61% cử tri tiềm năng nói tổng thống Mỹ tiếp theo nên có sự khác biệt lớn so với ông Biden; chỉ 25% cho rằng bà Harris thỏa mãn điều kiện này, trong khi tỷ lệ của ông Trump là 53%. Ông Trump dẫn trước bà Harris 13 điểm phần trăm về chính sách kinh tế, vấn đề được coi là quan trọng nhất với cử tri Mỹ.

Cơ hội thắng cử của Phó tổng thống Harris vào tháng 11 phần nào phụ thuộc vào độ thành công trong việc xây dựng hình ảnh bà là lựa chọn mới cho cử tri, xóa bỏ mọi hoài nghi bà đang tạo ra "nhiệm kỳ Biden thứ hai", theo nhà phân tích Stephen Collinson của CNN.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Nga cáo buộc Ukraine phóng tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh biên giới Bryansk, đánh dấu giai đoạn xung đột mới. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt mục tiêu chấm dứt xung đột vào năm 2025.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng Nga có quyền tự vệ và kêu gọi các nước phương Tây đánh giá kỹ lưỡng việc Moscow điều chỉnh học thuyết hạt nhân.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.