Báo cáo ban đầu về thiệt hại do bão số 3 ở Hà Nội
Cơn dông ngày 19/7 và ảnh hưởng cơn bão số 3 chưa gây ra những thiệt hại lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội tính đến thời điểm này, theo báo cáo của cơ quan chức năng.
Đảng ủy UBND thành phố vừa có báo cáo về công tác triển khai ứng phó bão số 3 trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo, chiều ngày 19/7, trên địa bàn thành phố xảy ra trận mưa dông diện rộng, số liệu tổng hợp cho biết có ba người bị thương nhẹ trên địa bàn các phường, xã Đại Mỗ, Hồng Vân, Mê Linh đã được sơ cứu kịp thời; 154 cây đổ, 221 cành gãy (cây do thành phố quản lý); 679 cây đổ, 408 cành gãy (cây do địa phương quản lý); 1.772 m² mái tôn nhà, chuồng trại bị tốc; 1,5 ha nhà lưới bị sập, rách; 80 m² nhà sàn bị đổ sập; 6 cột viễn thông và 30 cột điện bị gãy, đổ; 4 tủ điện bị cháy, chập, hư hỏng; 201 m tường rào bị đổ; 1.000 con gia cầm bị chết và nhiều diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Gió giật mạnh còn làm đổ, gãy, hư hỏng nhiều biển quảng cáo, pano và trần nhà; 24 xe ô tô các loại và 7 xe máy bị hư hỏng do cây đè. Mưa lớn làm xuất hiện 10 điểm ngập úng cục bộ từ 15 - 20 cm và đã được các địa phương xử lý. Giao thông bị ảnh hưởng do cây đổ khiến người dân gặp khó khăn trong di chuyển tại các tuyến đường như Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Cầu Bươu... Sân bay Nội Bài cũng phải tạm hoãn nhiều chuyến bay do thời tiết xấu.

Thủ tướng Chính phủ ban hành ba công điện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão số 3 và hỗ trợ nạn nhân vụ lật tàu tại Quảng Ninh. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến ngày 20/7, yêu cầu các địa phương triển khai biện pháp khẩn cấp. Tại Hà Nội, Thành ủy và UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ứng phó bão. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức trực ban 24/24, rà soát các khu vực nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, và sẵn sàng lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đối với các nạn nhân bị ảnh hưởng, thiệt hại do sự cố lật tàu ở Quảng Ninh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở Y tế, Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan tích cực rà soát, lên phương án tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ, ngày 22/7, khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố Hà Nội gió sẽ mạnh dần lên cấp 4 - 5, giật cấp 6; Khu vực phía Nam và trung tâm thành phố gió mạnh dần cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8.
Từ sáng sớm ngày 22/7 đến ngày 23/7, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến các nơi như sau: Khu vực phía Bắc thành phố: Phổ biến 60 - 120mm, có nơi trên 180mm; Trung tâm thành phố, khu vực phía Tây và phía Nam thành phố: Phổ biến 80 - 200mm, có nơi trên 250mm.
Từ ngày 21/7 đến ngày 25/7, trên các sông ở khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có khả năng ở mức dưới báo động 1; sông Đáy, các sông suối nhỏ, sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ… có khả năng ở mức báo động 1 đến trên báo động 2.
Mực nước sông lên cao có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, với độ sâu ngập từ 0,2 - 0,5m, có nơi trên 0,5m; thời gian duy trì ngập từ 30 - 60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, cơn bão số 3 hôm nay sau khi đi vào đất liền sẽ suy yếu, nhưng hoàn lưu bão vẫn có thể gây mưa lớn kéo dài. Vì vậy, người dân và chính quyền các địa phương vẫn phải tăng cường cảnh giác trước nguy cơ lũ quét và ngập lụt.