Bảo đảm an ninh cho Ukraine: Thách thức lớn của châu Âu

Trong bối cảnh an ninh châu Âu biến động, việc đảm bảo an toàn cho Ukraine đang trở thành một bài toán đầy thách thức.

Khi vai trò của Mỹ dần thu hẹp, châu Âu buộc phải tìm kiếm những giải pháp dài hạn, nhưng liệu họ có đủ năng lực và sự đồng thuận cần thiết để thực hiện điều đó?

“Đảm bảo an ninh” – đó là cụm từ mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục nhắc lại trong cuộc đối đầu căng thẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng tuần trước và cả sau đó.

Làm thế nào để Ukraine có thể chắc chắn rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tuân thủ bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào và không tái khởi động chiến sự trong một hoặc hai năm tới?

Ông Trump tỏ ra không mấy quan tâm đến vấn đề này, cho rằng "đảm bảo an ninh chỉ là 2% của vấn đề" và nhấn mạnh châu Âu nên tự giải quyết. Ông thậm chí còn đề xuất rằng, sự hiện diện của các công ty Mỹ khai thác khoáng sản tại Ukraine là đủ để ngăn chặn Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Phòng Bầu dục vào ngày 28/2/2025. Ảnh: Saul Loeb/AFP/Hình ảnh Getty.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho rằng Ukraine cần một lực lượng răn đe thực sự, không chỉ dựa vào Mỹ mà cả châu Âu.

Các quan chức Mỹ khác tuyên bố, Mỹ sẽ không tham gia vào biện pháp răn đe này. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth nói rằng, binh sĩ châu Âu tại Ukraine sẽ không được bảo vệ theo nguyên tắc an ninh tập thể của NATO. Còn theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, vấn đề bảo đảm an ninh “hoàn toàn sẽ do châu Âu giải quyết”.

Một khu phi quân sự tại Ukraine

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã gặp nhau tại London vào ngày 2/3 để tìm kiếm giải pháp cho Ukraine, cũng như cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang rạn nứt.

“Đây là thời khắc mang tính quyết định đối với an ninh châu Âu”, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố, kêu gọi một “liên minh của những quốc gia sẵn sàng hành động”.

Cựu đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger nhấn mạnh trên Foreign Affairs: “Thỏa thuận, nếu có, không chỉ đơn thuần là chia cắt Ukraine hay đạt được một lệnh ngừng bắn nhanh chóng... mà phải là một thỏa thuận hòa bình lâu dài, đảm bảo an ninh cho toàn bộ châu Âu”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc họp tại Lancaster House ở trung tâm London, 2/3/2025. Ảnh: Justin Tallis/AFP.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức, châu Âu “thiếu cả năng lực quân sự cần thiết lẫn ý chí và sự thống nhất chính trị” để gánh vác trách nhiệm này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lạc quan tuyên bố, các cuộc đàm phán có thể kéo dài “vài tuần” và sau đó là triển khai quân – với điều kiện được Nga đồng ý. Nhưng ông Macron cũng thừa nhận rằng việc duy trì một lệnh ngừng bắn dọc chiến tuyến dài 1.000 km là “rất khó khăn”.

Anh và Pháp sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình sau xung đột,  Australia cũng bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên, phản ứng từ các nước châu Âu khác khá dè dặt. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng, điều này “đòi hỏi một nỗ lực mà nhiều nước chưa thực sự sẵn sàng”. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni khẳng định nước này còn chưa từng đưa việc triển khai quân đội ra bàn thảo.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine khai hỏa pháo OTO Melara vào ngày 3/3/2025. Ảnh: Inna Varenytsia/Reuters.

Hiện tại, vẫn chưa rõ lực lượng này sẽ có quy mô bao nhiêu và nhiệm vụ cụ thể là gì. Liệu đó sẽ là một lực lượng nhỏ mang tính răn đe, hay một sứ mệnh được trang bị đầy đủ để có thể tự vệ?

Một sứ mệnh của Liên Hợp Quốc khó có thể xảy ra, vì Nga – với tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an – có quyền phủ quyết.

Tổng thống Zelensky nhấn mạnh tại London rằng, Ukraine cần "các bảo đảm an ninh rất cụ thể, với những đối tác rất cụ thể, để đảm bảo “100% khả năng Nga sẽ không tiến hành một chiến dịch quân sự khác".

Giới phân tích ước tính rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình cần ít nhất 100.000 quân – gấp đôi so với chiến dịch Kosovo năm 1999. Một lực lượng quá nhỏ sẽ dễ dàng bị thách thức, từ đó phá vỡ thỏa thuận.

Ngoài ra, để duy trì hòa bình, khu vực phi quân sự (DMZ) cần được thiết lập nhằm tách biệt các bên tham chiến, với các tuyến liên lạc để xử lý vi phạm.

Khu DMZ này cũng đòi hỏi một Đường kiểm soát và việc rút vũ khí hạng nặng về tối thiểu 40 km. Đồng thời, cả hai bên sẽ không được phép sử dụng máy bay không người lái trong khu vực này.

Tuy nhiên, với đặc điểm chiến tranh hiện đại, lực lượng gìn giữ hòa bình còn phải có năng lực tác chiến điện tử, phòng thủ trước máy bay không người lái và các biện pháp phản gián, theo chuyên gia quân sự Mick Ryan.

Nguy cơ leo thang xung đột cũng là một vấn đề lớn. Nếu quân đội Nga nã pháo vào vị trí của binh sĩ Anh hoặc Pháp, liệu điều đó có kéo theo phản ứng quân sự từ NATO? Nếu châu Âu bị lôi vào cuộc chiến với Nga mà không có sự hỗ trợ từ Mỹ, điều gì sẽ xảy ra?

Trong khi đó, một lệnh ngừng bắn không được kiểm soát chặt chẽ gần như chắc chắn sẽ đổ vỡ.

Marc Weller, Giáo sư Luật quốc tế tại Sáng kiến Cambridge về Giải quyết Hòa bình, cảnh báo: “Kịch bản tốt nhất vẫn là một tình huống cực kỳ mong manh, nơi chiến sự có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào”.

Kịch bản tốt nhất

Matthew Schmidt, Giáo sư An ninh quốc gia và khoa học chính trị tại Đại học New Haven, nói với CNN rằng một thỏa thuận đảm bảo an ninh thực tế cần có ba yếu tố: sự hiện diện đáng kể của lực lượng quốc tế trên thực địa, sự hậu thuẫn của Mỹ và một quân đội Ukraine hiện đại, đủ mạnh.

Ông Matthew Schmidt cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình lên tới 100.000 quân, kết hợp với khoảng 200.000 binh sĩ Ukraine, có thể đủ để tạo thế răn đe. Tổng quân số này tương đương khoảng một phần ba lực lượng Nga đang triển khai trong và xung quanh Ukraine.

Quân nhân Ukraine ngồi trên xe tăng T-72 ở vùng Kharkiv vào ngày 10/2/2025. Ảnh: Sergey Bobok/AFP/Hình ảnh Getty.

Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh rằng, “nỗ lực này phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ”.

Dù được trang bị tốt, lực lượng gìn giữ hòa bình vẫn cần đến năng lực vận tải hàng không, vệ tinh do thám và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ để ngăn chặn nguy cơ tấn công mới từ Nga – những khả năng mà châu Âu hiện không có.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: “Sự đảm bảo an ninh tốt nhất là một quân đội Ukraine mạnh mẽ với đủ quân số”. Theo ông, Ukraine cần có năng lực tên lửa tầm xa từ phương Tây để tấn công các tuyến tiếp tế và trung tâm hậu cần của Nga, cũng như một lực lượng không quân đủ mạnh trong trường hợp chiến sự tái diễn.

Trong khi đó, Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời Cục Tình báo Nước ngoài khẳng định rằng, việc triển khai 100.000 quân gìn giữ hòa bình sẽ “tương đương với việc chiếm đóng Ukraine trên thực tế”.

Nga “đã đặt ra những yêu cầu cứng rắn và gần như không thể nhượng bộ”. Cựu đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger nhận định. “Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng một nền hòa bình lâu dài có thể đạt được, chỉ bằng cách bảo vệ đường ranh giới liên lạc ở miền Đông Ukraine”.

Nga có đang chiếm ưu thế?

Theo Học thuyết quân sự của Nga, nước này đang dần giành lợi thế. Moscow liên tục đạt được những bước tiến nhỏ nhưng ổn định – quá trình này có thể tăng tốc nếu Ukraine mất đi nguồn viện trợ quân sự quan trọng từ Mỹ. Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định rằng, mục tiêu của Nga là “ngăn Ukraine có đủ nhân lực và vật lực để chặn đứng các bước tiến chậm nhưng bền bỉ của Nga”.

Với những tuyên bố và hành động gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Điện Kremlin có thể xem Tổng thống Ukraine Zelensky là người bị cô lập, còn châu Âu thì buộc phải tự xoay sở. Khi đó, Nga không có lý do gì để nhượng bộ. Moscow vẫn giữ vững các yêu cầu: khẳng định chủ quyền đối với bốn vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine dù chưa kiểm soát hoàn toàn; gây sức ép tối đa lên quy mô và năng lực của quân đội Ukraine; đồng thời buộc Kiev phải duy trì trạng thái trung lập.

“Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập, phi liên kết, không có vũ khí hạt nhân và trải qua quá trình phi quân sự hóa, phi phát xít hóa”, Tổng thống Putin từng tuyên bố vào mùa hè năm 2024. Theo lập luận của Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky phải ra đi, vì Nga không thể ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với một nhà lãnh đạo mà họ xem là “bất hợp pháp”.

Trong tình thế này, liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có gây áp lực để buộc Nga phải nhượng bộ? Đến nay, giới chức cấp cao Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào.

Theo luật pháp quốc tế, công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bốn vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Vì vậy, vấn đề lãnh thổ có thể sẽ bị gác lại, giống như cách Bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng đình chiến suốt hơn 60 năm qua.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại sân bay quân sự Schwesing ở Đức. Ảnh: Axel Heimken/dpa/AP.

Ukraine thành “Nhím Thép”

Dưới thời chính quyền Trump, khi Washington xem xét điều chỉnh chiến lược quốc phòng, có khả năng dẫn đến việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu. Sau quyết định tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, sự chú ý đang dồn vào cách phản ứng của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Châu Âu chỉ có thể đảm bảo an ninh cho Ukraine bằng cách tăng cường khả năng tự vệ của chính mình, thông qua hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất và huấn luyện quân sự. Đây không phải là điều có thể thực hiện ngay lập tức, nhưng những nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã được khởi động và cần được đẩy nhanh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius chào đón binh lính Đức và Ukraine đang huấn luyện sử dụng hệ thống Patriot tại một khu huấn luyện ở Đức. Ảnh: Jens Büttner/AFP/Getty.

Ủy ban Châu Âu lạc quan với kế hoạch thành lập một quỹ hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng. Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen đề xuất cho phép các quốc gia EU vay tới 150 tỷ euro và mở rộng thêm 800 tỷ euro cho chi tiêu quốc phòng trong những năm tới.

Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng, các nước thành viên có thể “hợp nhất nhu cầu và mua sắm chung” để củng cố năng lực quốc phòng, đồng thời tăng cường hỗ trợ Ukraine. Mục tiêu là biến Ukraine thành một "con nhím thép" – một quốc gia được phòng thủ kiên cố, đủ sức ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược nào trong tương lai. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào vẫn là ý định thực sự của Nga.

Nhìn rộng hơn, bên cạnh những yêu cầu về đảm bảo an ninh của Tổng thống Zelensky, thách thức lớn nhất đối với hòa bình chính là làm thế nào để xây dựng lòng tin bền vững giữa các bên.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các lực lượng vũ trang của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được nhận định là chưa đủ khả năng đối phó với cuộc chiến tranh UAV ngày càng phức tạp.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm hơn 80.000 nhân viên, dù bị lên án mạnh mẽ bởi các nhóm cựu chiến binh và đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ trừng phạt Hamas, nếu lực lượng này không thả ngay lập tức các con tin Israel.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa lên tiếng ca ngợi những chuyển động tích cực trong quan hệ với Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có cuộc gặp sớm nhất vào tuần tới.

Giám đốc CIA John Ratcliffe cho biết, Mỹ đã chấm dứt việc chia sẻ thông tin tình báo với Kiev từ ngày 5/3.

Các lô hàng viện trợ quân sự từ Mỹ đến trung tâm hậu cần tại thành phố Rzeszow, Ba Lan, không còn được vận chuyển trực tiếp sang Ukraine, theo trang tin Onet.pl.