Báo cáo sự cố y khoa - Công cụ để cải thiện chất lượng y tế

(HanoiTV) - Ngày 18/10, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tập huấn báo cáo sự cố y khoa theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới hơn 600 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ làm việc tại hơn 30 cơ sở y tế trên khắp cả nước.
PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc BV Bạch Mai - phát biểu tại buổi tập huấn. (Ảnh: Thế Anh)

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc BV Bạch Mai, sự cố y khoa là điều không mong muốn nhưng chúng vẫn xảy ra hàng ngày trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị tại các cơ sở y tế ở nước ta cũng như trên thế giới. Sự cố y khoa do các yếu tố chủ quan và khách quan mà không phải diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh.

ThS.BS Ito Tomoo - Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu (NCGM) của Nhật Bản cho rằng, theo diễn biến tâm lý thông thường, khi xảy ra sự cố y khoa, nhiều người thường giấu giếm hoặc đổ lỗi cho nhau. Chính vì thế, nếu cứ kêu gọi nhân viên y tế hãy báo cáo sự cố y khoa mà không kèm theo đó các cơ chế, ứng xử, tạo ra môi trường tâm lý an toàn cho cán bộ y tế thì họ sẽ không chủ động báo cáo nếu xảy ra sự cố. Hoặc nếu có báo cáo mà viện lại ngay lập tức thành lập hội đồng kỉ luật để phạt mà không xem xét cặn kẽ các nguyên nhân thì sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, nếu chẳng may có xảy ra sự cố gì thì có thể các nhân viên y tế  sẽ không báo cáo. Do đó, thay vì thành lập hội đồng kỷ luật thì nên có hội đồng khoa học để xem xét, đánh giá sự cố và tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục sự cố đã xảy ra.

ThS.BS Ito Tomoo - Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu của Nhật Bản - trao đổi trực tuyến với các bác sĩ tại buổi tập huấn. (Ảnh: Thế Anh)

Theo các chuyên gia, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và an toàn người bệnh là vấn đề sống còn hiện nay. Trọng tâm của công tác an toàn người bệnh chính là ngăn ngừa không để xảy ra sự cố y khoa. Phải phòng ngừa sự cố y khoa, không để sự cố y khoa xảy ra rồi mới khắc phục.

Chăm sóc y tế không an toàn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới. Ít nhất 5 người bệnh chết mỗi phút do chăm sóc y tế không an toàn, trong đó có tới 50% nguyên nhân là phòng tránh được và 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với quan điểm “Lấy người bệnh làm trung tâm, nhân viên y tế là then chốt, an toàn cho người bệnh là ưu tiên số 1”. Đó là các văn bản hướng dẫn triển khai 6 mục tiêu an toàn người bệnh của Tổ chức Y tế thế giới như Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện; Thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 quy định, hướng dẫn cụ thể việc phát hiện, báo cáo, phân tích và xây dựng các giải pháp ngăn ngừa sự cố y khoa; Thông tư hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và nhiều văn bản về lĩnh vực an toàn trong công tác dược lâm sàng.

Tuy nhiên, sự cố và các rủi ro luôn tiềm ẩn đối với mọi ngành nghề. Đặc biệt đối với dịch vụ y tế mang tính đặc thù, nguy cơ về sự cố y khoa luôn thường trực, trong đó có các sự cố liên quan đến bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng thuốc. Vì thế, an toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa.

Các bác sỹ, điều dưỡng tham gia buổi tập huấn tại điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Thế Anh)

Từ năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai đã ban hành Quy định An toàn người bệnh (Quyết định số 999/QĐ-BM ngày 15/5/2017) trong đó nêu rõ “Người bệnh phải được khám chữa bệnh an toàn mọi lúc, mọi nơi”, đồng thời nhấn mạnh “tất cả nhân viên bệnh viện đều có quyền và trách nhiệm” báo cáo sự cố hoặc nguy cơ gây mất an toàn người bệnh nhằm tìm ra nguyên nhân gốc rễ, lỗi hệ thống để có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ, hoàn thiện và cải tiến hệ thống.

Theo các chuyên gia đến từ Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu (NCGM) của Nhật Bản, đã là con người thì khi bản thân mắc lỗi không ai muốn báo cáo lỗi đó, cần coi đó là điều tự nhiên. Dựa trên tiền đề đó, nên cùng nhau suy nghĩ xem nên tạo ra môi trường, hệ thống và văn hóa nơi làm việc như thế nào để mọi người có thể nộp báo cáo, phân tích, và kết nối nó với các hoạt động cải tiến một cách thuận lợi.

Cũng theo chuyên gia từ NCGM, việc nộp báo cáo sự cố y khoa không phải là "mục đích", mà là công cụ để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Sử dụng báo cáo sự cố y khoa là cách làm mang lại hiệu quả cao nhất để nâng cao ý thức về an toàn y tế trong bệnh viện. Mấu chốt là làm thế nào để nhanh chóng thống kê báo cáo sự cố, phân tích và đưa ra giải pháp cải tiến, đồng thời chia sẻ thích hợp kết quả đó cho bác sỹ và điều dưỡng tại khoa. Đây nên được xem là trách nhiệm quan trọng của người quản lý bệnh viện, phải tạo được môi trường để người quản lý, bác sỹ và điều dưỡng ở hiện trường phối hợp với nhau nộp báo cáo sự cố và sử dụng chúng hiệu quả.

Buổi tập huấn báo cáo sự cố y khoa sẽ giúp đội ngũ cán bộ nhân viên y tế hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc báo cáo sự cố y khoa đối với an toàn người bệnh và quản lý chất lượng bệnh viện, đồng thời vượt qua được những rào cản ảnh hưởng đến công tác báo cáo sự cố y khoa để tích cực tham gia công tác báo cáo, nâng cao cả số lượng và chất lượng báo cáo sự cố y khoa, góp phần tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ban Quản lý di tích đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng chuẩn bị tốt các điều kiện, đặc biệt là về an toàn PCCC trước ngày khai hội.

Công chức, viên chức còn thiếu từ 1 đến 12 tháng để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng để nghỉ hưu.

Hình ảnh người chiến sĩ PCCC không quản ngại nguy hiểm lao vào giải cứu các nạn nhân tại một vụ cháy ở Thủ Đức, TP.HCM mới đây đã gây xúc động mạnh cho cộng đồng.

Nâng thời gian nghỉ thai sản là hợp lý, tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, cần có giải pháp đồng bộ nhằm cân bằng lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp.

Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, khiến thời tiết Hà Nội ngày 18/3 trở nên rét hơn, đặc biệt vào sáng sớm.

Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng được 20% xã, phường, thị trấn không có ma túy ngay trong năm 2025, đến năm 2030 đạt ít nhất 50% trở lên.