Ai đã phản bội Ukraine?
Ngày 12/2, ông Trump gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và sau đó đăng trên "Truth Social" rằng, hai bên đã nhất trí hợp tác cùng nhau để ngăn chặn "hàng triệu người chết" trong cuộc chiến giữa Ukraine và Nga. Sau đó, ông Trump tuyên bố hai nước có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Ả Rập Xê Út.

Ngày 13/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth đã có bài phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, giải thích một số nội dung cụ thể trong đề xuất chấm dứt chiến tranh của Mỹ. Nhận xét của ông khác hẳn với những quan điểm của chính quyền Mỹ trước đây, trong đó ông nói rằng, Ukraine không thể mong đợi giành lại chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ của mình và để bắt đầu đàm phán, Ukraine nên từ bỏ tư cách thành viên NATO.
Những nhận xét này của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thật sự lật ngược “Hiến chương Đối tác Chiến lược Mỹ - Ukraine", trong đó đặt ra các cam kết chung của hai nước về toàn vẹn lãnh thổ và quyền bất khả xâm phạm biên giới, đồng thời xác định việc Ukraine hội nhập vào các thể chế NATO và EU là mục tiêu chính sách ưu tiên.
Sau khi ông Trump và ông Hegseth đưa ra tuyên bố, có ý kiến cho rằng "Mỹ phản bội Ukraine". Washington đã từ bỏ Kiev, nhưng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Việc từ bỏ luôn là kết quả có thể xảy ra trong các thỏa thuận của Mỹ với Ukraine.
Nhà báo Leonid Ragozin của Aljazeera, chuyên theo dõi vấn đề Ukraine, cho rằng, "ông Trump không chịu trách nhiệm thành lập thể chế này. Kiev đã bị phản bội bởi những người đã hứa cho họ trở thành thành viên NATO và EU, vì vậy họ đã chiến đấu với Nga, từ chối thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào trong một cuộc chiến mà họ không thể giành chiến thắng".

Trong ba năm qua, phương Tây đã đạt đến giới hạn trong việc cung cấp vũ khí và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mà không gây ra Thế chiến III, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới. Việc tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ tốn kém này không làm thay đổi thực tế rằng, Nga mạnh và giàu có hơn Ukraine, đồng thời nước này có thể duy trì một quân đội thích nghi với chiến tranh hiện đại mà không thể bị đánh bại bởi hàng loạt công nghệ quân sự tiên tiến nhất của phương Tây. Quan trọng hơn là, với tư cách là một cường quốc hạt nhân, Nga sẽ luôn có tiếng nói cuối cùng trong bất kỳ cuộc chiến tranh khu vực nào - một yếu tố hạn chế sự can dự của phương Tây vào cuộc xung đột. Sớm hay muộn, chính phủ Mỹ sẽ cắt hỗ trợ cho Ukraine vì sự hỗ trợ này không bền vững.
Trong khi đó, các đối tác châu Âu có thể bắt đầu thống nhất với Mỹ về tư cách thành viên NATO của Ukraine, bất chấp một số sự kiện căng thẳng ở Ukraine trong những ngày gần đây. Ngày 14/2, Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố, chưa bao giờ có sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ gia nhập NATO như một phần của thỏa thuận hòa bình với Nga.
Tuyên bố này mâu thuẫn với một số lời hứa của ông trước đây. Vào tháng 12 năm 2024, khi mới đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký NATO, ông Mark Rutte tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng, “con đường gia nhập Liên minh của Ukraine là không thể đảo ngược” và “gần gũi với NATO hơn bao giờ hết”.
Ông Leonid Ragozin nhận định "mặc dù hiện tại, khó có khả năng Ukraine sẽ gia nhập NATO, nhưng chính quyền Tổng thống Trump dường như không hoàn toàn phớt lờ Ukraine". Đáp lại yêu cầu của Ukraine về đảm bảo an ninh của phương Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegset đã thẳng thừng loại trừ khả năng triển khai quân đội Mỹ tới Ukraine và cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình từ các nước NATO không nên bị ràng buộc bởi Điều 5 của NATO, vốn cho phép có phản ứng chung trước một cuộc tấn công nhắm vào bất kỳ thành viên NATO nào.

Đề xuất này khiến người Ukraine không yên tâm. Ông Zelensky đã nhiều lần tuyên bố rằng, đảm bảo an ninh của phương Tây là vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ. Đồng thời, Điện Kremlin nhiều khả năng sẽ coi việc triển khai quân NATO trên đất Ukraine là "con ngựa thành Troy", nên ý tưởng này khó có thể thực hiện được khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu.
Tuy nhiên, toàn bộ vấn đề gìn giữ hòa bình đã bị thổi phồng quá mức. Cách duy nhất để đảm bảo một nền hòa bình ổn định là thiết lập quan điểm không liên minh thực sự ở Ukraine và thúc đẩy hòa giải giữa Nga và phương Tây.
Trái ngược với những dự đoán của phương Tây rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ và chế độ sẽ sụp đổ dưới áp lực chiến tranh, Nga đã thể hiện tương đối tốt trong cuộc xung đột. Nền kinh tế Nga bùng nổ nhờ chi tiêu quốc phòng khổng lồ, và không giống như người Ukraine, người dân Nga hầu như không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Chiến tranh không trở thành yếu tố chính trong cuộc sống của người Nga.
Theo quan điểm của ông Leonid Ragozin: "Rõ ràng, ông Putin không thể bị đánh bại trên chiến trường. Ông ấy chỉ có thể bị hạ bệ nếu người dân Nga không ủng hộ. Nhưng phương Tây và Ukraine đã nỗ lực hết sức để xa lánh, ngay cả những người Nga chống lại ông Putin kiên quyết thân Ukraine nhất thông qua các chính sách phân biệt đối xử và luận điệu bài ngoại. Có vẻ như phương Tây luôn muốn chiến tranh chứ không phải một Ukraine và Nga tốt hơn".
Những lựa chọn mà Ukraine phải đối mặt đã thật rõ ràng. Bài phát biểu của ông Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich đã phản ánh điều này. Bài phát biểu của ông có mục đích thách thức nhưng lại nhuốm màu tuyệt vọng.
Ông đề xuất với EU rằng, quân đội Ukraine nên trở thành cốt lõi trong sức mạnh quân sự mới của châu Âu. Điều này cũng khó có thể thực hiện được vì nó sẽ khiến EU trực tiếp chống lại Nga. Tổng thống Ukraine cũng cố gắng thu hút sự quan tâm của ông Trump đến tài nguyên khoáng sản của Ukraine, nhưng chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra tối hậu thư, dẫn đến việc Ukraine từ chối ký thỏa thuận này.
Tổng thống Zelensky cần chứng minh rằng, ông đã thử mọi con đường, ngay cả những con đường khó xảy ra nhất, nhưng vẫn vô vọng. Như vậy, chuyện Ukraine đầu hàng trước là điều không thể tránh khỏi.


Các lực lượng vũ trang của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được nhận định là chưa đủ khả năng đối phó với cuộc chiến tranh UAV ngày càng phức tạp.
Bộ Cựu chiến binh Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm hơn 80.000 nhân viên, dù bị lên án mạnh mẽ bởi các nhóm cựu chiến binh và đảng Dân chủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ trừng phạt Hamas, nếu lực lượng này không thả ngay lập tức các con tin Israel.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa lên tiếng ca ngợi những chuyển động tích cực trong quan hệ với Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có cuộc gặp sớm nhất vào tuần tới.
Giám đốc CIA John Ratcliffe cho biết, Mỹ đã chấm dứt việc chia sẻ thông tin tình báo với Kiev từ ngày 5/3.
Các lô hàng viện trợ quân sự từ Mỹ đến trung tâm hậu cần tại thành phố Rzeszow, Ba Lan, không còn được vận chuyển trực tiếp sang Ukraine, theo trang tin Onet.pl.
0