À ơi khúc hát ru hời
Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn vì có một tuổi thơ lớn lên trong những lời hát ru ngọt ngào. Biết bao những yêu thương vô bờ, chan chứa và cả những khát vọng sâu kín đều được thế hệ các bà, các mẹ chúng tôi gìn giữ và gửi gắm trọn vẹn vào những câu hát ầu ơ da diết. Mỗi khi tiếng hát ru cất lên, những đứa trẻ chúng tôi lại được chìm sâu vào những giấc ngủ ngon lành và mơ về những giấc mơ cổ tích. Để rồi sau này, cho dù có đi đến đâu, khi nhớ về những ngày tháng ấy, chúng ta như được vỗ về và an ủi sau những ngày tháng nhọc nhằn mưu sinh.
Những lời ca mộc mạc sâu lắng mà mỗi một lần tôi vô tình nghe được đều đem tôi trở về với biết bao nỗi niềm khắc khoải rưng rưng khi nhớ về nơi quê hương yêu dấu. Tôi nghe cồn cào trong dạ những thèm thuồng lâu ngày cái mùi vị ngai ngái của đất bùn, mùi thơm thoang thoảng của cánh đồng lúa chín nơi đồng nội, cho tới mùi hương quen thuộc của những giàn hoa thiên lý. Tôi cũng thao thiết nhớ nhung những dáng lưng cong gầy của những người phụ nữ giống như mẹ tôi, sống trọn một đời tần tảo, hi sinh với tình yêu thương con cái vô bờ.
Quay trở về với thời khắc những trưa hè oi nồng, nằm trên cánh võng đung đưa, lắng tai nghe những lời ru trong trẻo, ở một nơi xa lạ nơi xứ người, tôi đã bất giác thầm gọi hai tiếng, “mẹ ơi”… xen lẫn trong những tiếng à ơi, da diết… thân thương.
Tất cả những xúc cảm thiêng liêng nhất, trọn vẹn và tinh túy nhất được gói gọn trong mỗi lời hát ru. Sau này, theo nhịp bước trưởng thành, chúng tôi có thể được lắng nghe và yêu thích thêm nhiều giai điệu, ca từ, thể loại khác nhau, thế nhưng những giai điệu hát ru thì chẳng có bài ca nào có thể thay thế, và tất nhiên cũng chẳng có ca sĩ nào có thể khiến cho ta xúc động như khi được nghe tiếng hát của bà, của mẹ trong những tháng ngày thơ ấu.

Tiếng ru đã đi qua nhiều thế hệ của những người dân trên đất nước tôi. Đó là biết bao lắng đọng chắt chiu những yêu thương chan chứa của tình mẫu tử thiêng liêng, của nhớ nhung nguồn cội. Cứ mỗi lần, những tiếng ru quen thuộc ấy được cất lên, tôi đều cảm thấy trong sâu thẳm nghèn nghẹn có một thứ cảm xúc đặc biệt khó lòng mà diễn tả. Khúc nhạc trầm bổng ngân nga, có đôi lúc là những giai điệu trong trẻo khoan thai, nhưng cũng có những lúc lại chan chứa biết bao những nỗi niềm tâm sự. Để rồi từng lời ca tiếng hát ấy đã trở thành những giai điệu đầu tiên và cũng là những giai điệu khó quên nhất trong cuộc đời mỗi người.
Cái cò mà đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Ông ơi! ông vớt tôi nao.
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.
Những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng luôn chứa đựng cả những bài học đạo đức làm người. Để rồi, chúng tôi đã lớn lên và trưởng thành từ những khúc hát ru, những hình ảnh đọng lại là cánh cò, cánh vạc, giếng nước, gốc đa. Trong lời ru mênh mang và da diết ấy, cũng có đôi khi ta chợt thảng thốt nhận ra, rồi một lúc nào đó, ta sẽ vĩnh viễn không còn được nghe thấy giọng hát ru ngọt ngào của mẹ. Sau những tháng ngày nhọc nhằn, bươn chải, ta lại khao khát tìm về với những giản dị và bình yên nơi lòng mẹ. Những khúc hát ru đã trở thành biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng. Một thứ tình cảm khởi nguồn cho mọi điều đẹp đẽ nhất trên thế gian này.


Tròn 50 năm non sông thu về một mối, người dân từ Đất Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái được hân hoan sống trong độc lập, tự do. Tháng Tư, nhớ lại câu chuyện đã được nghe trong chiến tranh và hòa bình, thấy thêm yêu “Nước của những người không bao giờ khuất”.
Đất nước mình có rất nhiều những dòng sông. Nhưng chắc chắn, trong thời hiện đại, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải. Những ngày tháng 4 lịch sử này đánh dấu tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải giờ đây chỉ còn là chứng tích cho một thời mất mát, đau thương.
Trưa nay, ngồi ăn cơm cùng các anh chị đồng nghiệp, câu chuyện rôm rả xoay quanh dịp lễ 30/4 sắp tới. Ai cũng háo hức chia sẻ dự định, ai cũng mong chờ một kỳ nghỉ thật đặc biệt – không chỉ vì được nghỉ, mà bởi đây là một ngày có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam.
Sau cái rét nàng Bân, Hà Nội lại bắt đầu bước sang một mùa kỳ lạ khác trong năm, gây cảm giác khó chịu dai dẳng, đó chính là mùa nồm.
Mọi sự sống trên đời này suy cho cùng đều phấn đấu hướng đến nơi có nhiều ánh sáng để trở nên mạnh mẽ, tốt đẹp hơn. Dù cho có trải qua bao nhiêu chông gai thử thách, chỉ cần ta không bỏ cuộc thì ánh sáng luôn ở cuối đường hầm.
Người ta lập gia đình không chỉ để có một tờ giấy đăng ký kết hôn, mà để tìm một nơi gọi là nhà. Nhưng có bao nhiêu người thật sự mong muốn trở về nhà sau một ngày dài? Có bao nhiêu người khi chồng rời đi, lòng vợ đầy nuối tiếc vì chưa đủ thời gian bên nhau? Hạnh phúc không phải là một điểm đến, mà là hành trình mà vợ chồng cùng nhau bước qua mỗi ngày.
0