30 năm 'hành trình phi thường' Việt Nam – Hoa Kỳ

Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi một “hành trình phi thường” từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc và 30 năm sau khi bình thường hóa quan hệ.

Đây là một minh chứng sống động cho sức mạnh của khát vọng hòa bình, lòng vị tha và nỗ lực không ngừng từ cả hai phía trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio hôm nay đã viết trên mạng xã hội X chúc mừng cột mốc 30 năm Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995-2025). Ông khẳng định: “30 năm trước, Hoa Kỳ và Việt Nam đã bắt đầu một hành trình phi thường từ những cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hôm nay, chúng ta ghi nhận cột mốc quan trọng này và tái khẳng định cam kết cùng nhau thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Trước đó, khi chia sẻ với báo chí bên thềm chuyến công tác Malaysia dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 58, ông Rubio cũng nhấn mạnh đánh giá cao quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông khẳng định Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ với Việt Nam.

Từng là hai quốc gia đứng ở hai chiến tuyến trong một cuộc chiến khốc liệt, trải qua nhiều thăng trầm và thử thách, đến nay Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Đây là tài liệu phát biểu của Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam đêm 11/7/1995 (giờ Washington). Sáng 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố tại trưng bày “30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Đại sứ Phạm Quang Vinh - Nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: “Cái chữ 'bình thường hóa chiến tranh' là những nỗi đau sau chiến tranh, nó là thù địch và cấm vận. Thế thì bây giờ để vượt qua được cái đó thì nó là câu chuyện nỗ lực của cả hai nước mà trước hết đó là nỗ lực của phía Việt Nam với chủ trương rất nhân đạo là khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Còn về phía Hoa Kỳ cũng có rất nhiều những nhân vật đã thúc đẩy mối quan hệ đó từ những trăn trở sau cuộc chiến như là thượng nghị sĩ John Marin, như là thượng nghị sĩ John Carry hay là hạ nghị sĩ Peterson”.

Ông Marc E.Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Ngày hôm nay, chúng tôi cũng trao trả hồ sơ chứng tích chiến tranh cho các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh. Có cả những lá thư và nhật ký quý giá mà những người lính đã viết trong chiến tranh, có lẽ gia đình họ chưa từng thấy trước đây. Tôi hy vọng điều này có thể giúp mang lại chút an ủi. Trong ba thập kỷ qua, hai nước chúng ta đã chuyển mình từ việc hàn gắn vết thương chiến tranh và trở thành đối tác đáng tin cậy, cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh. Chúng ta sẽ cùng hướng tới 30 năm tiếp theo của hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho cả hai quốc gia”.

30 năm qua kể từ khi bình thường hoá quan hệ, các đời Tổng thống Hoa Kỳ đều đến thăm Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng có những chuyến công du Hoa Kỳ. Hành trình phi thường ba thập kỷ gửi đi thông điệp quan trọng rằng sự thiện chí cùng tầm nhìn dài hạn có thể biến những khoảng cách lịch sử thành chiếc cầu hợp tác bền vững.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, được thúc đẩy nhờ công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng bền vững. Những ưu tiên này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời