1.000 lao động nông nghiệp có cơ hội làm việc tại Australia
Theo đó, Chính phủ Australia sẽ cho phép tối đa 1.000 lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại nước này tại cùng một thời điểm. Người lao động Việt Nam tham gia chương trình có thể làm công việc ngắn hạn (từ 6 đến 9 tháng), hoặc làm công việc dài hạn (từ 1 đến 4 năm). Vị trí việc làm của người lao động Việt Nam chỉ yêu cầu có kỹ năng nghề thấp, đến bán lành nghề trong ngành nông nghiệp như trồng trọt, chế biến thịt, thủy sản (bao gồm nuôi trồng thủy sản) và lâm nghiệp.
Theo Bộ LĐTBXH, người lao động tham gia chương trình phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, như: Có hộ chiếu còn hiệu lực phù hợp với thời gian tham gia hợp đồng lao động tại Australia; trên 21 tuổi vào thời điểm nộp hồ sơ xin thị thực. Bên cạnh đó, người lao động phải có trình độ tiếng Anh cơ bản đủ để có thể làm việc, hòa nhập cuộc sống tại Australia, góp phần giảm rủi ro và tự giải quyết phát sinh. Khi tham gia chương trình, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định của luật pháp Australia như người lao động nước này, được hưởng mức lương cơ bản, ít nhất bằng mức lương tối thiểu theo quy định của luật pháp Australia và phù hợp với các quy định của chương trình. Họ cũng được người sử dụng lao động bố trí đủ việc làm, nơi làm việc an toàn; được người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 300 đô la Australia cho chi phí vé máy bay từ Việt Nam đến nơi làm việc/nơi ở tại nước này. Đồng thời, người lao động cũng được người sử dụng lao động chi trả chi phí tuyển chọn/chi phí hành chính cho doanh nghiệp dịch vụ/đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước đó, đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ của hai nước đã cùng công bố Kế hoạch thực hiện của chương trình, trong đó nêu rõ các yêu cầu, điều kiện đối với lao động Việt Nam tham gia chương trình, cũng như vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan để đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
Việc lựa chọn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, và người sử dụng lao động Australia tham gia vào chương trình được thực hiện trong tháng 9. Bộ LĐTBXH và Chính phủ Australia cùng phối hợp lựa chọn doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam tham gia vào chương trình.
Bà Renee Deschamps - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết chương trình hợp tác này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Việt Nam và Australia. Chương trình sẽ mang đến cho người lao động Việt Nam các cơ hội nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong khi đảm nhận các vị trí công việc ở vùng nông thôn và địa phương tại Australia. “Australia và Việt Nam đều cam kết đảm bảo cho người lao động tham gia chương trình PALM được an toàn và giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan đến gian lận, hoạt động tuyển dụng phi đạo đức và bóc lột lao động. Chúng tôi mong muốn làm việc cùng các doanh nghiệp dịch vụ có kinh nghiệm tại Việt Nam và có các chính sách, hoạt động tuyển dụng công bằng, có đạo đức và minh bạch.”, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết, trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTBXH) và tối đa 6 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được lựa chọn tham gia chương trình. Đơn vị sự nghiệp doanh nghiệp dịch vụ không được lựa chọn sẽ không được tham gia và tuyển dụng lao động cho chương trình. Phí tuyển dụng sẽ do người sử dụng lao động của Australia chi trả cho đơn vị sự nghiệp, và doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam. “Phía Việt Nam và Australia tuyển chọn tối đa 6 doanh nghiệp tham gia chương trình cùng với trung tâm thuộc Bộ LĐTBXH . Tiêu chí tuyển chọn thì sau hôm nay sẽ công bố các doanh nghiệp tham gia . Các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện đề ra và Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ lựa chọn 10 đến 20 doanh nghiệp, sau đó gửi hồ sơ cho phía Australia lựa chọn . Khi phía Australia lựa chọn sẽ công bố các doanh nghiệp công khai ”, ông Phạm Viết Hương nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan, hợp tác lao động là một thành tố quan trọng trong quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam và Australia, là dấu mốc quan trọng về hợp tác kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước. “Hai nước triển khai thực hiện Thỏa thuận nhằm đáp ứng nguyện vọng của người lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tích lũy kiến thức, khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp với mức thu nhập cao... Khi hoàn thành hợp đồng lao động về nước có thể áp dụng, thực hiện có hiệu quả, tăng năng suất lao động. Đồng thời người lao động đi làm việc tại Australia nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về nguồn nhân lực của người sử dụng lao động Australia.


Trong khuôn khổ chuyến thăm Belarus của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam và Belarus ký kết Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam coi Belarus là đối tác quan trọng ở khu vực và mong muốn mối quan hệ này không ngừng phát triển vì lợi ích của hai dân tộc.
Một chiếc xe bán tải trong lúc cố tình lấn làn để vượt đã phải lao vào vệ đường để tránh tai nạn.
Một nam thanh niên đã bất ngờ bị tài xế xe ôm công nghệ cầm nón bảo hiểm đánh vào đầu trên đường Linh Trung, thành phố Thủ Đức (TP.HCM), xuất phát từ sự cố nhỏ trong lúc đặt xe qua ứng dụng.
Sau nhiều ngày lẩn trốn, đối tượng dùng hung khí chém lìa bàn tay người dân ở Lâm Đồng đã đến cơ quan công an đầu thú.
Tối 12/5, Công an tỉnh Lâm Đồng thông tin, đơn vị đã bắt được đối tượng Tàu Sa Chín (24 tuổi, ngụ tại tỉnh Ninh Thuận) là nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng xảy ra chiều cùng ngày tại thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).
0